Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều mô hình trợ giúp và chăm sóc trẻ khuyết tật

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 20/12, Đại hội đại biểu lần thứ V Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật TP Hà Nội (nhiệm kỳ 2022 – 2027) đã được tổ chức tại Cung Trí Thức, Hà Nội.

Đại hội có sự tham dự của nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan.

Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật TP Hà Nội là một tổ chức xã hội – từ thiện, được UBND TP ra Quyết định thành lập từ năm 2000; đến tháng 5/2017, Hội được UBND TP ra Quyết định cho phép đổi tên thành Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật TP Hà Nội. Hội có các Chi hội trực thuộc với trên 650 hội viên.

Tiết mục biểu diễn văn nghệ của cô giáo và trẻ em khuyết tật chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ V Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật TP Hà Nội (nhiệm kỳ 2022 – 2027).
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của cô giáo và trẻ em khuyết tật chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ V Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật TP Hà Nội (nhiệm kỳ 2022 – 2027).

Tại Đại hội, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật TP Hà Nội Trần Thị Minh Phương đã báo cáo kết quả hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ IV. Cùng với việc thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, Thường trực Hội vẫn tiếp tục phối hợp với Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh (Úc) thực hiện Dự án “Bước tiến” trợ giúp cho trẻ em khuyết tật, trẻ em lang thang có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP Hà Nội. Số tiền của dự án trợ giúp mỗi năm là trên 2,7 tỷ đồng (liền trong 5 năm). Dự án thứ hai “Hội Huynh đệ Á – Âu (Pháp) tiếp tục được duy trì, trợ giúp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật của Trung tâm Phương Liệt (quận Thanh Xuân) 1,4 tỷ đồng mỗi năm, thời hạn 2021 – 2023.

Thường trực Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật TP Hà Nội duy trì tốt công tác vận động và nhận được sự tài trợ của nhiều tổ chức, DN, cá nhân hảo tâm trong cộng đồng xã hội đã trực tiếp hoặc thông qua Hội tặng quà cho trẻ em khuyết tật các đơn vị cơ sở nhân dịp Lễ, Tết. Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật TP Hà Nội vận động tăng dần qua từng năm, từ năm 2017 đến năm 2022 với tổng số tiền là 21,3 tỷ đồng.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chúc mừng và trao Bằng khen của Hội Khuyến học Việt Nam cho Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật TP Hà Nội và bà Trần Thị Minh Phương.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chúc mừng và trao Bằng khen của Hội Khuyến học Việt Nam cho Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật TP Hà Nội và bà Trần Thị Minh Phương.

Thực hiện kế hoạch về công tác y tế, hàng năm, Thường trực Hội phối hợp với Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội tổ chức đoàn bác sĩ tới khám phân loại sơ bộ và tư vấn cho trẻ tật ở các đơn vị. Từ năm 2017 đến nay, Hội phối hợp với Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội tổ chức phòng khám thường xuyên, miễn phí ngay tại Bệnh viện, qua đó chọn lọc những trẻ tật còn khả năng phục hồi và có hoành cảnh khó khăn để điều trị. Chỉ tính riêng từ năm 2017 đến 2019 Phòng khám đã khám và tư vấn cho trên 1.000 trẻ em khuyết tật và tiến hành điều trị cho 36 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Về công tác giáo dục, Hội vẫn phối hợp với ngành giáo dục huy động trẻ tật còn khả năng đi học được đến các loại hình trường, lớp phù hợp. 7 trường dạy trẻ khuyết tật, 1 trường dạy trẻ câm điếc và 5 trung tâm chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn đã thu hút 1.500 trẻ theo học và được chăm sóc.

Ngoài ra, loại hình lớp học Tình thương được duy trì, tổ chức ngoài nhà trường ở một số quận, huyện thu hút những trẻ khuyết tật không đủ điều kiện đến trường lớp chính quy để học tập. Các lớp được duy trì ở phường An Dương (quận Tây Hồ), phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân), phường Tân Mai (quận Hoàng Mai),…

Ban chấp hành Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật TP Hà Nội nhiệm kỳ V (2022 – 2027) ra mắt, gồm 36 người.
Ban chấp hành Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật TP Hà Nội nhiệm kỳ V (2022 – 2027) ra mắt, gồm 36 người.

Thực hiện kế hoạch dạy nghề hàng năm, sau khi được Sở LĐTB&XH Hà Nội duyệt cấp kinh phí, Hội đã phối hợp với các trường, trung tâm triển khai các lớp dạy nghề (nấu ăn, vi tính, xoa bóp, bấm huyệt) cho trẻ khuyết tật ở các đơn vị. Mỗi năm Hội tổ chức được 3 - 5 lớp dạy nghề, thu hút được trên 100 trẻ em theo học và được cấp chứng chỉ.

Nhằm động viên trẻ em khuyết tật, nhân dịp Lễ, Tết, các ngày kỷ niệm, Thường trực Hội đã tham dự và tặng quà cho 60 – 70 lượt đơn vị, với 2.000 suất quà cho trẻ khuyết tật, ước tính 500 – 600 triệu đồng…

Đến nay, trên toàn TP Hà Nội có gần 30.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật. Phát huy kết quả đạt được của nhiệm kỳ qua, trong nhiệm kỳ 2022 – 2027, Cứu trợ trẻ em khuyết tật TP Hà Nội sẽ thực hiện chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ tật bằng những giải pháp cụ thể như: Tổ chức lại phòng khám và tư vấn thường xuyên, miễn phí cho trẻ tật tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội. Có kế hoạch điều trị cho trẻ khuyết tật còn khả năng phục hồi. Duy trì các lớp học văn hóa và các hình thức định hướng nghề nghiệp cho trẻ tật ở trường, trung tâm; tổ chức các lớp dạy nghề phù hợp cho các đơn vị cơ sở có điều kiện.

Sau phần tham luận của đại diện các phòng LĐTB&XH, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội, trường PTCS Xã Đàn, Ban tổ chức đã công bố danh sách trúng cử Ban chấp hành Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật TP Hà Nội nhiệm kỳ V (2022 – 2027) gồm 36 người. Đồng chí Nguyễn Kim Hoàng – nguyên Phó Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội được bầu là Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật TP Hà Nội nhiệm kỳ V.