70 năm giải phóng Thủ đô

Nhiều nền kinh tế láng giềng Nga thắng đậm nhờ xung đột Ukraine?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Georgia và Armenia ở vùng Kavkaz, cũng như Tajikistan ở Trung Á, là những quốc gia hưởng lợi sau khi đón dòng người nhập cư khổng lồ kể từ cuộc chiến ở Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022.

Lợi ích kinh tế thường tỷ lệ nghịch với sự leo thang của các cuộc chiến tranh, các nước láng giềng của Nga được dự báo chịu thiệt hại lớn khi đối tác thương mại lớn nhất của họ hứng các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Nhưng trên thực tế, dòng vốn khổng lồ đổ vào các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã giúp tăng cường dự trữ ngoại hối và cải thiện cán cân vãng lai.

Trong bối cảnh di cư đông đảo vì chiến tranh, các quốc gia nhỏ gần Nga tỏ ra có sức hấp dẫn hơn cả vì không cần thị thực du lịch, tiếng Nga được sử dụng rộng rãi và không có hạn chế nào khi chuyển tiền tiết kiệm sang ngân hàng địa phương. 

Điều này được cho đã thúc đẩy đồng tiền quốc nội của Armenia tăng hơn 22% so với đồng USD kể từ đầu năm, trở thành đồng tiền tăng giá hàng đầu trong số các loại tiền tệ trên toàn thế giới - theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Đồng lari của Georgia và đồng somoni của Tajikistan lần lượt mạnh hơn 16% và 10%, vượt qua mức tăng của đồng rúp của Nga.

Theo Ngân hàng Quốc gia Georgia, nhờ chiến tranh, lượng kiều hối từ Nga đổ về Georgia đã tăng 5 lần trong năm nay, đạt hơn 1,75 tỷ USD.

Trong khi Ngân hàng Trung ương Armenia cho biết, lượng tiền từ Nga chuyển đến Armenia lên tới 2,8 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm nay, tăng gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Vào tháng 10/2022, con số này đạt mức cao nhất kể từ năm 2004.

Bloomberg dẫn lời chuyên gia Natalia Milchakova tại Freedom Holding Corp nhận định: "Chính công dân Nga, những người đã chuyển đến các quốc gia này trong một thời gian dài do các vấn đề địa chính trị, đã giữ tiền tiết kiệm của họ bằng những đồng tiền đó và đẩy tỷ giá hối đoái lên cao".

Đồng thời, tác động tiền tệ từ làn sóng người Nga chuyển đến các nước nhỏ thuộc Liên Xô được cho cũng đang lớn dần. Kazakhstan, với dân số 19 triệu người, gấp khoảng 6 lần so với Armenia và Georgia, cũng nhận được dòng vốn từ Nga, mặc dù đồng tenge của nước này mất giá 7,5% so với đồng USD trong năm nay.

Nền kinh tế Armenia tăng trưởng 2 con số trong quý II và quý III năm nay, trong khi Georgia đạt mức tăng trưởng gần 10% suốt ba tháng 7-8-9/2022.

Đối với Tajikistan, hoạt động chuyển tiền đã tăng ít nhất 50% trong nửa đầu năm nay, "đưa nền kinh tế của quốc gia không giáp biển này đi đúng hướng để tăng trưởng 7% trong năm nay, so với dự đoán trước đó là 4-5%" - bà Natalia Milchakova nói. Cũng theo bà Milchakova, ở cả Armenia và Georgia, các khoản từ ngoại hối đã giúp đẩy cầu tiêu dùng và xây dựng nhà ở.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nâng dự báo tăng trưởng cả năm của Georgia lên 10%, phần lớn nhờ "sự gia tăng dòng nhập cư và tài chính do chiến tranh". Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Armenia, ông Martin Galstyan, đã nâng dự báo tăng trưởng GDP lên 13% từ 4,9% nhờ dòng người Nga đổ vào nước này.