Nhiều quan điểm về Luật hóa việc đặt máy chủ ở Việt Nam

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 10/1, tại Phiên họp thứ 20, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về một số nội dung, trong đó có những nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật An ninh mạng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần thiết ban hành Luật An ninh mạng để bảo vệ an toàn an ninh mạng quốc gia. Để phù hợp với Hiến pháp, cần tiếp tục rà soát lại, nhất là quyền tiếp cận thông tin của người dân, và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
 Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nhấn mạnh yêu cầu đặt máy chủ tại Việt Nam là nội dung nhạy cảm
Về quản lý an ninh mạng đối với các DN nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam, vẫn có nhiều quan điểm khác nhau về việc có cần quy định các DN nước ngoài phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt, hiện có 2 vấn đề tranh cãi. Các DN nước ngoài không muốn đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam vì tâm lý họ sợ thuế và rườm rà về thủ tục. Trong khi đó, cơ quan an ninh cho rằng, nếu không đặt máy chủ ở Việt Nam thì khó quản lý, lo ngại về vấn đề an ninh. Lo ngại của cơ quan an ninh là chính đáng vì liên quan đến an ninh của quốc gia. Hiện đã có 14 nước đặt máy chủ tại Việt Nam, tổng sử dụng mạng tại Việt Nam có 40% đã đặt máy chủ nhưng họ không khai báo vì sợ nộp thuế.

Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, đặt máy chủ ở Việt Nam bản chất là quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trong quá trình sử dụng. “Máy chủ hay không không quan trọng mà quan trọng là phải biết thông tin người sử dụng, khi có vấn đề còn quản lý thông tin người Việt Nam sử dụng”- Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng, phải có quy định làm thế nào để nhà mạng phải lưu trữ thông tin theo quy định. Đến khi có vi phạm thì cơ quan điều tra có thể trích xuất để xử lý. Nếu không thì khó xử lý. Cho nên “gốc” vẫn là vẫn phải có lưu vết thông tin để có căn cứ xử lý.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương, nếu đặt máy chủ ở nước ngoài thì khó kiểm soát cho nên về mặt kỹ thuật cần kiểm soát thông tin. Nếu thông tin từ Việt Nam đi ra thì phải kiểm soát chứ để ở nước ngoài thì rất khó quản lý. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng: Các DN nước ngoài không muốn đặt máy chủ ở Việt Nam vì phát sinh chi phí. Ví dụ làm ở Hà Nội nhưng phải đặt tại 63 tỉnh, thành là làm phát sinh chi phí, chưa kể phát sinh thuế và nếu bắt buộc sẽ trái với cam kết quốc tế. “Quan trọng là làm sao có thể kiểm soát an ninh. Có thể đặt máy chủ ở nước ngoài nhưng khi có yêu cầu của ta thì họ phải thực hiện theo yêu cầu để ta còn quản lý”- Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, các DN nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam chỉnh lý như Dự án Luật là hợp lý. Tuy nhiên hiện còn nhiều ý kiến đề nghị làm rõ, nên cần nghiên cứu tiếp thu, lấy thêm ý kiến rộng rãi để mang tính khả thi cao, tránh bất lợi liên quan đến những điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Sáng cùng ngày, UBTV Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của UBTV Quốc hội quy định chi tiết một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước. Các ý kiến trong UBTV Quốc hội cho rằng, UBTV Quốc hội không ban hành nghị quyết có nội dung quy định thẩm quyền xử phạt hành chính. Đề nghị kiểm toán Nhà nước cần tổng kết, rà soát lại tất cả các nội dung của luật hiện hành, trình Quốc hội sửa Luật Kiểm toán Nhà nước vào thời điểm thích hợp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần