Nhiều sách giáo khoa để lựa chọn là cần thiết

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sách giáo khoa (SGK) đang là vấn đề được dư luận quan tâm, đặc biệt khi thời điểm triển khai chủ trương “một chương trình, nhiều SGK” trong Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK phổ thông đang đến gần.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) của Quốc hội Phạm Tất Thắng
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) của Quốc hội Phạm Tất Thắng đã làm rõ hơn vấn đề này.

Không thể “thả nổi” hết cho xã hội hóa

Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội lần đầu tiên đề cập đến chủ trương thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học. Và quan điểm này cũng đang được thể hiện trong Dự Luật Giáo dục (sửa đổi). Theo ông, cơ sở nào để chuyển từ việc chỉ có một bộ SGK duy nhất sang hình thức "một chương trình nhiều SGK"?

- Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình và SGK phổ thông ra đời với mục tiêu khắc phục những bất cập của giáo dục phổ thông hiện tại. Trong đó, chương trình giảm tải, tích hợp, phát triển kỹ năng toàn diện của học sinh. Và lần đầu tiên chúng ta nói đến "một chương trình nhiều SGK". Tôi nhấn mạnh là nhiều SGK chứ không phải nhiều bộ SGK. Bởi có những môn có nhiều quyển sách khác nhau, nhưng có thể môn khác lại chỉ có một quyển trong bộ chung.

Đúng như nhiều ý kiến nhận định, đây là chủ trương mở, khắc phục việc độc quyền trong xuất bản SGK hiện nay, đồng thời cũng đáp ứng được những yêu cầu hiện tại của xã hội. Hiện nay, người dân có quyền được lựa chọn các sản phẩm phù hợp và tốt nhất với mình. Với SGK cũng vậy, nhà trường, giáo viên, học sinh cũng có quyền lựa chọn những SGK phù hợp nhất. Chúng ta ban hành chương trình chuẩn, áp dụng thống nhất, còn việc thể hiện ra SGK như thế nào thì để cho tác giả, các cơ quan tổ chức khác nhau thực hiện. Tôi nghĩ rằng, một hạn chế của giáo dục phổ thông hiện nay là chúng ta chỉ có một bộ sách gắn với chương trình cũng nặng nề. Cho nên có thể nói, chủ trương này vừa vì mục tiêu giảm tải, vừa vì liên quan đến đổi mới chương trình. Việc có nhiều SGK là cần thiết.

Có thể thấy rằng, việc có nhiều SGK là cần thiết nhằm thu hút sự tham gia của các trí thức, cho ra đời những bộ sách chất lượng. Tuy nhiên, như nhiều ý kiến nhận định, hiện vẫn chưa nhiều tác giả có kinh nghiệm trong viết SGK, cũng chưa có nhiều NXB chuyên trong lĩnh vực này. Liệu đây có là trở ngại thưa ông?

- Nghị quyết 88 cũng đã lường đến chuyện này. Đây là lần đầu tiên chúng ta đề cập đến "một chương trình nhiều SGK". Vì thế, để đảm bảo điều kiện chung, vẫn giao cho Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK, bộ sách này cũng được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn theo tiêu chí chung đã được thống nhất và ban hành. Thực tế, lực lượng tham gia viết SGK cũng chưa nhiều và lực lượng tham gia sản xuất là xuất bản cũng chưa nhiều. Tuy nhiên, đây là bước đầu chuyển đổi, nên có thể tác giả chỉ viết một môn cho một vài lớp hoặc một lớp, tùy theo điều kiện, khả năng của tác giả. Trong thực tế cũng đã có một số nhóm tác giả đã giới thiệu với xã hội một số SGK của một số môn.
 Phụ huynh chọn mua sách giáo khoa cho con tại một nhà sách ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Theo tôi, dù thực tế chưa có kinh nghiệm, nhưng với việc đã hình thành các tác giả hay nhóm tác giả, đồng thời, với việc vẫn yêu cầu Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK, trong trường hợp việc xã hội hóa không thực hiện được nhiều, vẫn có một bộ sách đảm bảo cho việc dạy và học ở phổ thông.

Nhưng chính vì việc Bộ GD&ĐT cũng tham gia xây dựng một bộ SGK, nên nhiều ý kiến lo ngại sẽ dẫn đển việc các cá nhân, tổ chức khác không thể cạnh tranh được với Bộ, thưa ông?

- Phải nhắc lại rằng, đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện chủ trương "một chương trình nhiều SGK" và xã hội hóa việc biên soạn và phát hành SGK. Nhưng chúng ta vẫn phải tính đến câu chuyện đảm bảo việc giảng dạy và học tập bình thường ở bậc phổ thông, đây là trách nhiệm của Nhà nước mà đại diện ở đây là Bộ GD&ĐT. Vì lần đầu tiên, nên cũng không có gì đảm bảo đến thời điểm áp dụng chương trình và SGK mới, việc xã hội hóa có đủ SGK cho việc học. Do đó không thể thiếu bộ SGK của Bộ. Hay nói cách khác, giai đoạn đầu, chúng ta phải chấp nhận phương án này, không thể “thả nổi” hoàn toàn cho xã hội hóa được.

Theo tôi, về lâu dài thì nên để việc làm SGK cho xã hội. Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT là biên soạn chương trình chuẩn để định hướng. Đồng thời, quản lý chương trình.

Thị trường sẽ điều tiết

Nếu coi SGK cũng là một sản phẩm, khi có nhiều cá nhân, tổ chức cùng sản xuất, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh là một tất yếu. Vậy theo ông làm sao để đảm bảo được sự cạnh tranh công bằng trên cơ sở phục vụ người học?

- Nếu coi SGK là một mặt hàng đặc biệt, theo tôi khi đã có cạnh tranh thì thị trường sẽ điều tiết. Xã hội sẽ chọn sách chất lượng tốt, giá thành hạ. Nhưng do là mặt hàng đặc biệt, nên Nhà nước vẫn phải kiểm soát và có trách nhiệm về việc đủ SGK đảm bảo chất lượng.

Ngay câu chuyện người tham gia biên soạn chương trình mới có được tham gia vào viết SGK ở các NXB không. Điều đó không có quy định nào cấm cả. Những người tham gia biên soạn chương trình mà viết sách trước hết họ là chuyên gia trong lĩnh vực này, viết sách sát chương trình. Trong trường hợp này cái tốt là nhiều hơn. Nhưng nếu họ tham gia với danh nghĩa cá nhân thì bình thường, nhưng nếu giữa cá nhân và tổ chức không rõ ràng, vừa tham gia biên soạn chương trình, vừa biết sách sẽ tạo ra vòng tròn khép kín, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường. Ưu thế sẽ rơi vào nhóm đó.

Tuy nhiên, ở đây chúng ta đã đang bàn câu chuyện của thì tương lai vì hiện Bộ cũng chưa có quy chế gì về việc biên soạn, tuyển chọn, sử dụng SGK. Nhưng theo tôi, nguyên tắc là phải đảm bảo yếu tố có sách SGK tốt và cả yếu tố thị trường.

Theo quy định, năm học 2019 - 2020, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu được thực hiện từ lớp 1. Tuy nhiên, hiện chương trình cũng chưa ban hành để làm cơ sở viết SGK. Điều này khiến nhiều người lo ngại về sự vội vàng. Có nên chỉ áp dụng ở một số địa bàn đủ điều kiện thay vì đại trà, thưa ông?

- Mốc thời gian này là quyết tâm chính trị rất cao của Bộ GD&ĐT. Bộ muốn triển khai sớm việc áp dụng chương trình và SGK mới. Hơn nữa, việc đổi mới chương trình và SGK cũng là việc bức thiết.

Ý kiến cho rằng chỉ nên áp dụng ở những nơi có đảm bảo về điều kiện cũng là ý kiến rất thực tiễn. Theo tôi biết, Bộ GD&ĐT sẽ có áp dụng thử, nhưng quy mô và thời gian đến đâu thì là câu chuyện cần bàn. Nếu chúng ta có điều kiện thử nghiệm một cách kỹ lưỡng, cả năm học ở một số địa phương, sau đó những gì không phù hợp sẽ điều chỉnh là tốt nhất. Nếu chỉ áp dụng thí điểm ở một phạm vi hẹp và thời gian ngắn thì đánh giá tác động không sâu sắc được.

Cũng liên quan đến việc làm SGK, hiện nay một thực trạng cũng gây bức xúc trong dư luận là việc SGK chỉ dùng một lần, rất lãng phí. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

- Đây là nội dung khi thảo luận Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), UBTV Quốc hội đã trao đổi nhiều. Đúng là ở đây có sự lãng phí lớn. Trước đây có những bộ SGK dùng hàng chục năm, nhưng chất lượng dạy học vẫn đảm bảo. Theo tôi, nên suy nghĩ phương thức để tiết kiệm hơn cho nguồn lực xã hội và hình thành nên văn hóa dùng SGK khác đi. Hiện có văn hóa là đầu năm mua sách, cuối năm bỏ đi, gây tốn kém.

Xin cảm ơn ông!