Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều tân binh gia nhập đường đua xe điện Trung Quốc

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các công ty mới đang khát khao khẳng định vị thế tại thị trường xe điện lớn nhất thế giới.

Trung Quốc, thị trường xe điện (EV) lớn nhất thế giới, đang thu hút sự quan tâm từ nhiều nhà đầu tư, bao gồm cả những cái tên mới như một nhà sản xuất máy hút bụi và máy sấy tóc. Trong bối cảnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, việc thu hút thêm nhiều tân binh giúp ngành này chứng minh sức hấp dẫn riêng biệt.

Dreame, công ty nổi tiếng với các sản phẩm gia dụng như máy hút bụi, đã thành lập một nhóm chuyên môn về phát triển xe điện hybrid. Theo truyền thông địa phương, công ty có trụ sở tại Tô Châu (tỉnh Giang Tô) này dự kiến ​​ra mắt sản phẩm sau năm 2026 và hướng đến mục tiêu xuất khẩu sang châu Âu.

Các công ty mới đang khát khao khẳng định vị thế tại thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Ảnh: Yujie Xue
Các công ty mới đang khát khao khẳng định vị thế tại thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Ảnh: Yujie Xue

Trong khi đó, Rox Motor, công ty ra mắt mẫu SUV lai Rox 01 vào năm ngoái, đã ký hợp đồng phân phối loại xe này tại Kazakhstan, Qatar, Kuwait, Azerbaijan, Philippines, và Ai Cập, khẳng định tham vọng mở rộng ra thị trường quốc tế. Đây là mẫu xe điện duy nhất của hãng cho đến thời điểm hiện tại.

Tại thị trường xe điện Trung Quốc, những tên tuổi lớn như: BYD, Geely Auto, Xpeng và Li Auto đã giao hơn 10 triệu xe cho khách hàng trong năm nay. Chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích việc chuyển đổi sang xe điện thông qua chiến lược công nghiệp "Made in China 2025". Chiến lược này đề ra mục tiêu 10% doanh thu của hai nhà sản xuất xe điện hàng đầu quốc gia tỷ dân phải đến từ thị trường nước ngoài vào năm 2025.

Wuling Motors, công ty nổi tiếng với mẫu xe điện mini hai chỗ Hongguang, dự kiến 50% doanh thu từ xe điện của hãng sẽ đến từ thị trường nước ngoài vào năm 2030.

Tuy nhiên, tình trạng dư thừa nguồn cung và sự cạnh tranh gay gắt về giá cả cũng đã khiến hàng trăm công ty phá sản, gây ra thiệt hại lên đến hàng chục tỷ USD. Một số công ty đã rơi vào tình trạng phá sản, như: WM Motor, Byton và Levdeo, trong khi một vài công ty khác như Aiways và Zhidou đang tìm kiếm nguồn hỗ trợ tài chính.

Yuan Zhijun, chủ tịch của Wuling Motors, nhận định: "Chúng ta cần thúc đẩy động lực tăng trưởng mới."

Vào năm 2020, William Li, nhà sáng lập Nio, từng nhận định một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực xe điện cần ít nhất 20 tỷ nhân dân tệ (2,8 tỷ USD) để phát triển mô hình sản xuất. Đó là lý do tại sao những công ty có tiềm lực tài chính mạnh như Huawei và Xiaomi có thể duy trì quy mô sản xuất, trong khi các liên doanh mới của China Evergrande EV đã phá sản do gánh nặng nợ.

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, chính phủ Trung Quốc đã triển khai các chương trình hỗ trợ giá để thúc đẩy người dân chi tiêu cho xe điện.

Goldman Sachs ước tính lợi nhuận trung bình mà các nhà sản xuất ô tô thu được từ việc bán mỗi chiếc xe ô tô điện vào năm 2023 là 2.600 nhân dân tệ (360 USD). Tuy nhiên việc liên tục giảm giá nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng sẽ khiến ngành xe điện đối mặt với tình trạng thua lỗ.

Các nhà sản xuất lớn như BYD và Li Auto đã phải tốn nhiều thời gian để thu được lợi nhuận lớn. BYD, với mẫu xe hybrid cắm điện đầu tiên F3DM ra mắt vào năm 2008, chỉ thực sự sinh lời vào năm 2022. Li Auto, ra mắt mẫu xe điện Li One vào năm 2019, cũng ghi nhận lợi nhuận đầu tiên vào năm 2023 .

Mặc dù thị trường xe điện khách ngày càng cạnh tranh, các chuyên gia cho rằng các công ty mới trong phân khúc xe điện thương mại vẫn còn nhiều cơ hội do không xuất hiện nhiều người chơi thống lĩnh có ưu thế rõ ràng.

Yale Zhang, giám đốc công ty tư vấn Automotive Foresight, nhận định việc phân khúc này không đòi hỏi quá nhiều yêu cầu về kỹ thuật hay trí tuệ nhân tạo tiên tiến sẽ giảm áp lực cho những công ty mới tham gia.

Phate Zhang, nhà sáng lập CnEVPost, cho rằng các doanh nghiệp nên tập trung phát triển các mẫu xe điện cá nhân hóa, tập trung vào nhóm khách hàng cụ thể.