"Phản tác dụng" khi kêu gọi ngừng Dòng chảy Phương Bắc 2
Vụ nhà đối lập người Nga Alexei Navalny “nghi bị đầu độc”, hiện đang được điều trị khẩn cấp tại Berlin, đã khiến một số chính trị gia Đức kêu gọi chính quyền Thủ tướng Angela Merkel ngừng thực hiện dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, bao gồm cả thành viên đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) Friedrich Merz.
Lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny hiện đang được điều trị tại Berlin theo nguyện vọng của gia đình. |
Tuy nhiên, nhiều thành viên tại Quốc hội Đức đã lên tiếng phản đối đề nghị dừng tuyến đường ống đưa khí đốt từ Nga sang Đức của một số chính trị gia nước này.
Trả lời phỏng vấn tờ Die Welt hôm 8/9, Klaus Ernst, người đứng đầu Ủy ban các vấn đề kinh tế và năng lượng của Quốc hội Đức, đã chỉ trích những lời kêu gọi cần xem xét lại hoặc dừng hoàn toàn dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 vì vụ Navalny là “hoàn toàn phản tác dụng”.
Ông Ernst, người từng là đồng chủ tịch Đảng Cánh tả của Đức, nói rằng quyết định dừng dự án khí đốt này sẽ “không chỉ gây thiệt hại cho Nga, mà ảnh hưởng đến cả Đức”. “Nếu Dòng chảy Phương Bắc 2 bị dừng, chính phủ Đức sẽ phải chịu chi phí xây dựng” - ông Ernst cho biết và lưu ý thêm rằng Berlin có thể phải chịu phạt nếu đơn phương rút khỏi dự án xây dựng tuyến đường ống khí đốt từ Nga sang Đức.
Theo lãnh đạo Ủy ban các vấn đề kinh tế và năng lượng của Quốc hội Đức, điều quan trọng là phải tiến hành một cuộc điều tra chung với Nga về cáo buộc đầu độc nhân vật đối lập và không vội vàng đưa ra bất kỳ kết luận nào, trong khi vẫn hỏi “ai sẽ được lợi từ sự kiện".
“Quá trình này không mang lại lợi ích cho Nga, châu Âu hay Đức. Nó chủ yếu mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ, mà lợi ích kinh tế của họ là mối quan hệ của chúng tôi với Nga đang xấu đi, ”ông nói trong cuộc phỏng vấn. "Một lần nữa, Nga bị đổ lỗi trên toàn diện và không có bằng chứng đầy đủ."
Số phận mong manh
Hôm 22/8, nhà lãnh đạo đối lập người Nga Alexei Navalny được đưa tới Berlin để điều trị theo nguyện vọng của gia đình. Trợ lý của lãnh đạo đối lập Nga cho rằng ông bị đầu độc khi uống trà tại quán cà phê ở sân bay Tomsk, Siberia, trước khi lên máy bay.
Sau đó, Anh và Đức tuyên bố ông Navalny bị đầu độc bằng Novichok, loại chất độc thần kinh từ thời Liên Xô, được cho là từng được sử dụng trong vụ tấn công cựu điệp viên Nga Sergei Skripal ở Anh năm 2018. Tuy nhiên, các bác sĩ Nga khẳng định rằng loại chất độc này không được phát hiện trong cơ thể của ông Navalny trong thời gian ông nhập viện ở Omsk.
Vụ ông Navalny “nghi bị đầu độc” đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về mức độ mà Đức và Liên minh châu Âu (EU) nên đáp trả bằng việc áp đặt các biện pháp kinh tế đối với Moscow.
Truyền thông cho rằng Chính phủ Đức đang “mắc kẹt” với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 gây tranh cãi. Dự án này - hiện đã hoàn thành hơn 93% hệ thống tuyến đường ống, sẽ bị ảnh hưởng liên quan đến vụ ông Navalny, vì vậy Berlin sẽ không thể hoàn thành.
Về lý thuyết, Đức vẫn có thể ngăn chặn việc hoàn thành đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2, nhưng làm thế nào để việc dừng dự án có thể được thực thi vẫn chưa rõ ràng.
Tất cả các giấy phép cần thiết cho việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 đã được cấp từ lâu. Nếu bị thu hồi, các nhà khai thác sẽ phải đối mặt với yêu cầu bồi thường thiệt hại cao khi khoảng 10 tỷ Euro đã được đầu tư xây dựng đường ống.
Tuy nhiên, Điện Kremlin tuyên bố không nhận thấy nguy cơ nào về việc chính phủ Đức ngăn chặn việc xây dựng Dòng chảy Phương Bắc 2, bất chấp lời kêu gọi từ một số chính trị gia cấp cao, bao gồm cả thành viên CDU Friedrich Merz.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng những áp lực buộc chính quyền Berlin phải tạm dừng dự án thương mại vì vụ việc gây tranh cãi liên quan đến nhân vật đối lập Nga chỉ là những “tuyên bố đầy cảm tính” và không có cơ sở.
Cũng lên tiếng bảo vệ tuyến đường ống khí đốt, Thủ hiến bang Sachsen (miền Đông nước Đức) Michael Kretschmer tái khẳng định rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố cần xem xét riêng vụ việc ông Alexei Navalny và các vấn đề liên quan đến dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.
Ông Kretschmer nhấn mạnh rằng tuyến đường ống này "phải được hoàn thành". "Nga và Đức phụ thuộc vào nhau, chúng tôi cần sự hợp tác này", ông Kretschmer nhấn mạnh./.