Giới đầu tư lạc quan về vòng đàm phán mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc đã đẩy chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên này.
Chốt phiên hôm qua, S&P 500 tăng 0,67%, DJIA tăng 0,82%, còn Nasdaq Composite tăng 0,78%. Tổng cộng, S&P 500 đã tăng 13,1% trong quý I. Đây là mức tăng mạnh nhất của chỉ số này kể từ quý III/2009 và là quý đầu năm tốt nhất kể từ năm 1998.
Các quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc đã đưa ra đề xuất về một loạt vấn đề đi xa hơn so với trước đây – bao gồm việc chuyển giao công nghệ bắt buộc. Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, cũng cho biết vào ngày thứ Sáu ông đã có một “bữa tối làm việc hiệu quả” với các quan chức thương mại Trung Quốc vào đêm hôm trước ở Bắc Kinh, khi cả 2 bên tái khởi động đàm phán với hy vọng chấm dứt xung đột thương mại kéo dài.
Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế quan trị giá hàng tỷ USD đối với hàng hóa của nhau trong năm qua, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính, kinh doanh và tâm lý người tiêu dùng.
Cổ phiếu Lyft - đối thủ của Uber tại Mỹ hôm qua có lúc cũng tăng hơn 20% trong phiên giao dịch đầu tiên trên Nasdaq. Chốt phiên, mã này tăng 8,7%. DJIA cũng tăng 11,2% trong quý I - mạnh nhất kể từ 2013. Còn Nasdaq có quý tốt nhất 7 năm, với 16,5%.
"Triển vọng chấm dứt chiến tranh thương mại đã đến rất gần, giúp nhà đầu tư thêm tự tin. Đó là lý do chúng ta có quý tăng khá tốt", Peter Cardillo - kinh tế trưởng tại Spartan Capital Securities giải thích.
Kết thúc vòng đàm phán thương mại mới nhất tại Bắc Kinh hôm qua, cả Mỹ và Trung Quốc đều thông báo đạt tiến triển. Washington gọi đây là cuộc gặp "thẳng thắn và có tính xây dựng".
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tìm cách giải quyết cuộc chiến thương mại đã kéo dài gần 9 tháng qua. Tuần tới, đoàn đàm phán Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu cũng sẽ tới Washington.
Chỉ số Dow Jones nhảy vọt 11,2% trong quý I/2019 – khởi đầu năm mạnh mẽ nhất kể từ năm 2013. Nasdaq Composite chứng kiến quý tăng mạnh nhất kể từ quý I/2012, bứt phá 16,5%.
Đà leo dốc trong quý này nổi bật bởi 3 yếu tố: sự phục hồi mạnh mẽ từ các mức đáy hồi Giáng sinh 2018, lạc quan ngày càng tăng về đàm phán thương mại Mỹ - Trung và sự đảo ngược mạnh mẽ trong lập trường chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Brad McMillan - Giám đốc đầu tư của Mạng lưới tài chính Commonwealth, cho biết: "Bài học thực sự mà chúng tôi rút ra từ quý này là kiểm soát các yếu tố cơ bản theo thời gian cụ thể. Chúng tôi nhận thấy niềm tin của người tiêu dùng tăng cao, việc làm tăng trưởng tốt và thu nhập tiếp tục được cải thiện, mặc dù có phần chậm hơn. Khi bạn đặt tất cả những yếu tố này lại, nếu thị trường cổ phiếu đi xuống trong một vài phiên do tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư, về cơ bản các lực đẩy đều tích cực”.
Dù vậy, số liệu công bố hôm qua cho thấy chi tiêu tiêu dùng Mỹ gần như không tăng trong tháng 1. Thu nhập của người dân cũng tăng rất khiêm tốn trong tháng 2. Số liệu này cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang mất đà.
Mối lo tăng trưởng bùng lên tuần trước, sau khi FED bỏ dự báo tăng lãi suất năm nay và đường cong lợi suất Mỹ lần đầu đảo ngược kể từ năm 2007, ám chỉ khả năng xảy ra suy thoái. Trong ngày 29/3, đường cong lợi suất này đã xoay trở lại.
Tờ Axios hôm 29/3 đưa tin, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng - Larry Kudlow cho rằng với tình hình hiện tại, FED nên ngay lập tức hạ lãi suất thêm 0,5%.