Nhìn lại 10 vấn đề nóng nhất của thế giới năm 2023

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dưới đây là top 10 sự kiện làm nên một năm 2023 đầy biến động của thế giới.

1. Nhiệt độ toàn cầu phá kỷ lục

Biến đổi khí hậu không còn là mối đe dọa trong tương lai, khi 2023 được cho có thể là năm nóng nhất lịch sử từng ghi nhận. Nhiệt độ toàn cầu chưa từng cao như vậy trong 125.000 năm qua và có nguy cơ vượt quá giới hạn 2 độ C được quy định trong Thỏa thuận Paris 2015. Hệ quả là các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra trên toàn cầu, từ cháy rừng lịch sử, hạn hán khắc nghiệt cho đến lũ lụt kỷ lục.

Những điều này diễn ra ngay cả khi đầu tư vào năng lượng sạch đã tăng vọt. Chi phí năng lượng gió và mặt trời đã rẻ hơn, trong khi hydro đang được quảng cáo là nguồn năng lượng bền vững. Các dự án thương mại đầu tiên nhằm hút CO2 ra khỏi khí quyển cũng đang đi vào hoạt động.

Các nhà ngoại giao đã tập trung tại các diễn đàn khí hậu lớn, như Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc COP28, để thảo luận về kế hoạch và thỏa thuận, với hy vọng giúp nhân loại không bỏ lỡ cơ hội tránh biến đổi khí hậu thảm khốc.

2. Hamas tấn công Israel

Cho đến cuối tháng 9/2023, hòa bình Trung Đông vẫn có vẻ đầy hứa hẹn, khi Hiệp định Abraham đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa Israel và các nước Ả Rập. Diễn biến này khiến Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan thời điểm đó tuyên bố: "Khu vực Trung Đông ngày nay yên tĩnh hơn so với hai thập kỷ trước".

Nhưng tất cả đã thay đổi chỉ 8 ngày sau đó. Vào ngày 7/10, Hamas tấn công Israel và giết chết khoảng 1.200 người, đánh dấu ngày đẫm máu nhất trong lịch sử Israel. Khoảng 240 người khác đã bị bắt làm con tin.

Thề tiêu diệt Hamas, Israel đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào Dải Gaza và sau đó thực hiện một cuộc đổ bộ vào miền Bắc Gaza. Một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời vào cuối tháng 11 đã giúp khoảng một trăm con tin được trao trả. Nhưng giao tranh nhanh chóng tiếp tục khi quân đội Israel tiến vào miền Nam Gaza.

Số người chết tăng vọt tại đây, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em Palestine, thúc đẩy lời kêu gọi nhân đạo trên toàn thế giới. Cuộc xung đột sẽ kết thúc như thế nào và điều gì sẽ xảy ra vẫn là những câu hỏi còn bỏ ngỏ, khi những lo ngại ban đầu rằng cuộc xung đột ở Gaza có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh Trung Đông rộng lớn hơn.

3. Cuộc phản công thất bại của Ukraine

Vào đầu năm 2023, nhiều dự báo rằng một cuộc phản công của Ukraine có thể phá vỡ sự kiểm soát của Nga đối với miền Đông Ukraine, thậm chí là cả Crimea.

Cuộc phản công thực sự đã bắt đầu vào đầu tháng 6. Mặc dù gây tổn thất nặng nề cho quân Nga, nhưng cục diện chiến tuyến hầu như không thay đổi. Quân đội Nga đã tận dụng quãng nghỉ mùa Đông để chuẩn bị lực lượng phòng thủ đáng gờm. Đầu tháng 11, vị tướng hàng đầu của Ukraine mô tả cuộc giao tranh là "bế tắc" và thừa nhận "rất có thể sẽ không có đột phá đáng kể".

Các cuộc đối thoại ngoại giao nhanh chóng chuyển sang vấn đề liệu Ukraine có thể duy trì, thay vì nói đến chiến thắng. Một cuộc chiến tranh tiêu hao được tin sẽ là có lợi cho Nga, do nền kinh tế và dân số lớn hơn đáng kể của nước này. Nga đã tăng gấp đôi số lượng quân ở Ukraine vào mùa Thu năm 2023 so với thời điểm bắt đầu chiến sự.

Trong khi đó, "gánh nặng Ukraine" đã bắt đầu xuất hiện ở phương Tây, đặc biệt là ở Mỹ, khi các nhà lập pháp đảng Cộng hòa ngăn Quốc hội gửi thêm viện trợ cho Kiev.

4. Căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục sôi sục

Khi năm 2023 mới bắt đầu, căng thẳng Mỹ - Trung dường như đã giảm bớt. Tháng 11 trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một cuộc gặp hiệu quả bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali.

Nhưng sau đó, một khinh khí cầu giám sát của Trung Quốc đã bất ngờ xuất hiện trên bầu trời nước Mỹ và sau đó bị Không quân Hoa Kỳ bắn hạ ở ngoài khơi bờ biển Nam Carolina. Vụ việc đã làm bùng lên làn sóng chính trị ở Mỹ và khiến Ngoại trưởng Antony Blinken phải hoãn chuyến thăm Bắc Kinh dự kiến vào tháng 2.

Điều đáng lo ngại nhất là các quan chức Trung Quốc đã từ chối nhận cuộc gọi từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sau khi khinh khí cầu bị bắn hạ, qua đó bác bỏ một kênh liên lạc hiệu quả giữa hai siêu cường.

Ông Blinken cuối cùng cũng đã tới Bắc Kinh vào tháng 6 để tham dự cái mà các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ - Trung gọi là "các cuộc đàm phán mang tính xây dựng". Nhưng cuộc đối thoại đó không ngăn được Washington áp đặt thêm các hạn chế thương mại với Trung Quốc, hay thuyết phục Bắc Kinh giảm bớt hành vi hung hăng ở châu Á.

Hai nhà lãnh đạo Biden và Tập Cận Bình đã lại gặp nhau vào tháng 11, bên lề Diễn đàn các nhà lãnh đạo APEC 2023 ở San Francisco. Các cuộc đàm phán đã đạt được một số thỏa thuận nhỏ nhưng không có bước đột phá nào đáng kể.

5. Trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại cả hứa hẹn và nguy cơ

AI đã trở thành cụm từ "hot" vào năm ngoái với công cụ ChatGPT. Vào năm 2023, công nghệ đã trở nên tốt hơn - với phiên bản mới nhất của ChatGPT được cho là còn tiên tiến hơn gấp 10 lần so với phiên bản tiền nhiệm, thúc đẩy nhiều chính phủ, công ty và cá nhân nhanh chóng khai thác tiềm năng của nó.

Nhưng xu hướng này cũng đã gây ra những cuộc tranh luận sôi nổi về việc liệu AI đang mở ra một kỷ nguyên mới cho sự sáng tạo và thịnh vượng của con người, hay sẽ tạo ra một tương lai đầy nguy hại. Những người bi quan cảnh báo rằng công nghệ này đang phát triển quá nhanh, vượt qua khả năng đánh giá và giảm thiểu tác hại mà nó có thể gây ra của con người, đồng thời có thể thay thế lao động gây thất nghiệp hàng loạt và làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng xã hội hiện có.

6. Nội chiến tàn phá Sudan

2023 từng được kỳ vọng là năm mà Sudan trở thành một nước dân chủ, nhưng trên thực tế, người dân nước này lại xảy ra nội chiến. Xung đột bắt nguồn từ các cuộc biểu tình khiến quân đội Sudan lật đổ nhà lãnh đạo lâu năm của đất nước là Omar al-Bashir, vào tháng 4/2019. Khi một năm sắp kết thúc, những cuộc giao tranh giữa các phe phái hiện đã giết chết hơn 10.000 người và khiến thêm 5,6 triệu người phải di dời - tương đương gần 15% dân số Sudan.

7. Azerbaijan chiếm giữ Nagorno-Karabakh

Sau lệnh ngừng bắn năm 2021, Azerbaijan kiểm soát phần lớn Nagorno-Karabakh, nhưng căng thẳng giữa Azerbaijan và Armenia vẫn ở mức cao. Vào tháng 9/2023, Azerbaijan lại thực hiện tấn công và sau đó chiếm lĩnh lãnh thổ mà nước này chưa kiểm soát, đồng thời tuyên bố sẽ bắt đầu quá trình "tái hòa nhập" của vùng đất này.

Trong vòng một tuần, hơn 100 nghìn người Armenia, tương đương khoảng 85% dân cư ở Nagorno-Karabakh, đã phải chạy sang Armenia để lánh nạn. Cuộc di cư khổng lồ làm dấy lên các cuộc biểu tình ở Armenia về việc Chính phủ nước này đã không bảo vệ được đồng bào.

Sự an toàn của những người Armenia còn lại ở Nagorno-Karabakh có thể là điểm nóng tiếp tục xảy ra giữa Armenia - Azerbaijan, khi hành lang Zangezur - một phần nhỏ lãnh thổ của Armenia nối Azerbaijan với vùng lãnh thổ Nakhchivan của Azerbaijan giáp với Armenia, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ - được cho sẽ là điểm giao tranh tiếp theo.

8. Ấn Độ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới

Trong thế kỷ qua, Trung Quốc luôn giữ vững ngôi vị là quốc gia có dân số đông nhất thế giới. Nhưng đến năm 2023, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc, với dân số ước tính là 1,43 tỷ người, và được dự báo có thể sẽ vẫn là quốc gia đông dân nhất trong nhiều thập kỷ tới.

Các nhà nhân khẩu học dự đoán rằng dân số Trung Quốc sẽ giảm 100 triệu người vào giữa thế kỷ này, và độ tuổi trung bình của người Trung Quốc sẽ tăng từ 39 tuổi lên 51 tuổi. Trong khi đó, dân số Ấn Độ sẽ đạt gần 1,7 tỷ người vào giữa thế kỷ này, với độ tuổi trung bình là 39.

Các quốc gia có dân số trẻ hơn, ngày càng tăng, có xu hướng có lực lượng lao động năng động hơn, tiêu dùng nhiều hơn và từ đó mang lại tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn.

9. BRICS mở rộng

Cuối tháng 8, nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS - một liên minh không chính thức giữa Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - tuyên bố sẽ mở rộng để kết nạp thêm 6 quốc gia, gồm Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Bước đi này sẽ tạo nên một tập hợp các quốc gia chiếm khoảng 30% GDP và 43% sản lượng dầu toàn cầu, được dự báo có thể tiếp tục mở rộng trong dài hạn. Tầm nhìn của BRICS cũng được cho không chỉ là ngày càng mở rộng để đối trọng với phương Tây, mà còn tạo ra một đồng tiền chung để giảm bớt vai trò thống trị của đồng USD.

10. Cuộc đua không gian nóng lên

Hàng loạt chính phủ và doanh nghiệp đều đang đặt cược lớn vào không gian: 77 quốc gia có cơ quan không gian; 16 quốc gia có thể phóng tàu vào không gian. Và Mặt trăng đang là mục tiêu được quan tâm đặc biệt.

Nỗ lực lên mặt trăng của Nga đã thất bại vào tháng 8 khi tàu đổ bộ của nước này đâm vào bề mặt Mặt trăng. Vài ngày sau, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 hạ cánh phương tiện không người lái lên Mặt trăng và là quốc gia đầu tiên làm như vậy gần vùng cực Nam của Mặt trăng. Hai tuần sau đó, Ấn Độ tiếp tục khởi động sứ mệnh nghiên cứu Mặt trời.

Trung Quốc và Mỹ cũng đang có các chương trình Mặt trăng đầy tham vọng, trong đó NASA đặt mục tiêu đưa các phi hành gia trở lại Mặt trăng vào năm 2025. Tuy nhiên, những nỗ lực này và các nỗ lực khác liên quan đến không gian đang làm dấy lên mối lo ngại rằng các cuộc cạnh tranh địa chính trị sẽ dẫn đến việc quân sự hóa không gian.