Giải quyết tồn đọng cũ
Như đã đề cập, đường Nguyễn Hữu Thọ đang đóng vai trò là “cửa ải” kết nối bán đảo và vùng phụ cận với các tuyến Giải Phóng, Nguyễn Xiển. Con đường chỉ dài có 1.100m, được khởi công từ năm 1997, nhưng đến nay, sau gần 20 năm vẫn còn 200m đoạn tiếp giáp đường sắt Bắc - Nam chưa thể GPMB để thi công hoàn thiện. Nút cổ chai hiểm trở, gây khó khăn cho hàng vạn phương tiện qua lại mỗi ngày này bị “trấn giữ” bởi 8 hộ gia đình chưa đồng thuận di dời. Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án khu vực 2, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) Nguyễn Đức Trung cho biết: “Cả khu nhà ở Bắc Linh Đàm lẫn đường Nguyễn Hữu Thọ đã xây dựng gần như xong, chỉ vì vướng GPMB 8 hộ dân mà bao nhiêu năm nay không thể hoàn thiện”.
Những phương án cấp thiết để giải bài toán giao thông khu vực bán đảo Linh Đàm theo chủ ý của tác giả. |
Không chỉ có đường Nguyễn Hữu Thọ, thông tin từ Sở GTVT Hà Nội còn cho biết, một đoạn phần dưới thấp đi qua hồ Linh Đàm của đường Vành đai 3 có chiều dài khoảng 560m chưa được đầu tư để kết nối. Hiện các phương tiện đi theo đường Vành đai 3 dưới thấp phải đi vòng qua đường dạo quanh hồ, đường Nguyễn Hữu Thọ để ra đường Giải Phóng và ngược lại. Mặt khác, nhu cầu đi lại từ đường Vành đai 3 trên cao kết nối xuống bán đảo là rất lớn nhưng khu vực này chưa có nhánh kết nối từ trên cao xuống dưới thấp; gây khó khăn cho công tác tổ chức giao thông, dẫn đến tình trạng thường xuyên ùn ứ giao thông nghiêm trọng. Nếu không nhanh chóng hoàn thiện nốt hai hạng mục dang dở này để tăng tính kết nối, cả mạng lưới khu vực sẽ khó lòng vận hành thông suốt để giảm thiểu ách tắc giao thông.
Phân giải áp lực giao thông
Trong khi đường Nguyễn Hữu Thọ ngày ngày phải trần mình chịu đựng áp lực giao thông vô cùng lớn, hai tuyến đường ven hồ kết nối với cửa ngõ phía Nam khác là Hoàng Liệt và Linh Đường lại không phát huy được bao nhiêu tác dụng. Đường Hoàng Liệt có 2 làn rộng rãi, giao cắt với đường Giải Phóng, chạy song song bên dưới cầu cạn Vành đai 3, thông thẳng vào trung tâm bán đảo Linh Đàm. Thế nhưng tại điểm giao cắt đường Giải Phóng lại bị ngăn trở bởi đường sắt Bắc - Nam . Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư, Sở GTVT Hà Nội Vương Minh Hoan cho biết, do tính chất phức tạp và yếu tố ATGT nên Hoàng Liệt buộc phải dùng chung lối vào với Linh Đường. “Mở quá nhiều đường ngang sát nhau, giao cắt với đường sắt sẽ rất nguy hiểm” - ông Hoan nhấn mạnh. Do đó, dù 2 tuyến đường thênh thang chỉ cách ngã ba Nước Ngầm và đường Giải Phóng có một lằn ray tàu hỏa nhưng lại không thể nối thẳng sang, buộc phải dùng chung 1 đường ngang chỉ rộng chừng 10m.
Một hạn chế khác là đường Hoàng Liệt nằm ngay dưới gầm cầu cạn Vành đai 3 nên không thể có phương án xây dựng cầu vượt đường sắt để kết nối. Tuy nhiên, hiện lối vào chung của cả 2 con đường: Linh Đường, Hoàng Liệt đang nằm chếch về phía Linh Đường, vượt quá ngã ba Nước Ngầm, lại khá nhỏ. Các chuyên gia cho rằng, nếu có thể dịch chuyển đường ngang này về vị trí giữa 2 tuyến đường, mở rộng thêm, cắm điểm gác chắn đường sắt và đèn tín hiệu sẽ có thể tổ chức giao thông tối ưu hơn, góp phần giải tỏa áp lực cho đường Nguyễn Hữu Thọ.
Tăng tính kết nối
Nhìn tổng thể mạng lưới giao thông quanh bán đảo Linh Đàm có thể thấy rất rõ 2 yếu điểm, đường nhỏ, ít và rời rạc, thiếu kết nối dẫn đến tình trạng áp lực giao thông hầu như dồn cả lên đường Nguyễn Hữu Thọ. Ngày 16/10 vừa qua, trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Đức Hải cho biết, quận và Sở GTVT đang lên kế hoạch xây dựng cầu vượt sông Bắc Linh Đàm, nối thông từ trong bán đảo sang điểm giao cắt Thanh Liệt - Kim Giang.
Theo phân tích của giới chuyên gia, nếu được thực hiện, cầu vượt Bắc Linh Đàm sẽ không chỉ mở hướng lưu thông từ bán đảo ra Thanh Liệt, Kim Giang, Nguyễn Xiển mà còn thu hút cả hướng lưu thông vào trong bán đảo. Một mặt đường Thanh Liệt hiện vẫn còn nhỏ hẹp, mặt cắt chỉ khoảng 10m, hai đầu lại vướng 2 điểm giao cắt đều thường xuyên đông đúc, xung đột nhiều hướng lưu thông. Mặt khác, cầu cũng sẽ thu hút một lượng lớn phương tiện lưu thông vào trong bán đảo, đổ ra đường Nguyễn Hữu Thọ nên chưa thể coi cầu vượt sông Bắc Linh Đàm là lối thoát chiến lược cho giao thông khu vực. Thậm chí nếu tổ chức kém sẽ gây ùn tắc nốt cả ngã tư Thanh Liệt - Nguyễn Xiển.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, cần thiết phải xây dựng đoạn tuyến đường Vành đai 3 đi bằng cầu qua hồ Linh Đàm, một đầu kết nối với đường Nguyễn Xiển, đầu kia kết nối với đường Hoàng Liệt, Linh Đường để phân giải bớt áp lực cho đường Nguyễn Hữu Thọ. Ông Thắng nhấn mạnh: “Trước mắt phải tập trung khai thông đường Nguyễn Hữu Thọ; Hoàn thành đoạn tuyến Vành đai 3 dưới thấp, đường gom từ cầu cạn Vành đai 3 xuống bán đảo; Kết nối hữu hiệu đường Hoàng Liệt, Linh Đường để có mạng lưới hoàn chỉnh, thông suốt. Sau đó mới nên tính đến việc mở thêm hướng lưu thông mới”.