Nhức nhối tình trạng buôn bán phân bón giả, kém chất lượng

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, việc gian lận trong sản xuất, kinh doanh phân bón ngày càng diễn biến phức tạp. Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường tiềm ẩn nhiều hệ lụy, gây thiệt hại cho cả Nhà nước, DN và bà con nông dân.

Phanh phui các DN nhập khẩu, sản xuất phân bón kém chất lượng

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) vừa xử phạt vi phạm hành chính 92 DN, hộ kinh doanh cá thể về nội dung ghi nhãn không đúng quy định, chất lượng sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu không đảm bảo chất lượng. Trong đó có 53 DN nhập khẩu, sản xuất phân bón kém chất lượng.

Lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Long kiểm tra hộ kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có dấu hiệu vi phạm. Ảnh: Thanh Thảo
Lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Long kiểm tra hộ kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có dấu hiệu vi phạm. Ảnh: Thanh Thảo

Trong năm 2021, nguồn phân bón nhập khẩu bị đứt gãy do dịch bệnh, khiến giá phân bón liên tục tăng mạnh. Đặc biệt, từ cuối tháng 2/2022 đến nay, do xung đột Nga - Ukraine khiến lượng cung và thương mại phân bón trên thế giới giảm đột ngột, càng làm giá phân bón tăng phi mã. Chỉ trong hơn một năm qua, giá phân bón đã tăng gấp đôi. Tình trạng này khiến việc gian lận trong sản xuất, kinh doanh phân bón đang diễn biến phức tạp hơn. Có không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trong nước tung ra nhiều chiêu thức gian lận nhằm thu lợi bất chính.

Các đơn vị chức năng cũng phát hiện 9 DN sản xuất phân bón không đảm bảo chất lượng, đó là: Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại Hóa Nông Lúa Xanh; Công ty TNHH Cửu Long; Công ty TNHH Phân bón Đất Phúc; Công ty TNHH Nông Vui; Công ty CP Phân bón Long Điền Thanh Hóa; Công ty CP Secpentin và phân bón Thanh Hóa; Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Phong Vũ; Công ty CP Kỹ thuật DO HA L E D U S A; Công ty CP Dịch vụ phát triển nông nghiệp Đồng Tháp. Bên cạnh đó, cơ quan liên ngành còn phát hiện 11 cơ sở nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, 2 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, 5 cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, 5 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật vi phạm nội dung ghi nhãn.

Mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD

Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Điều đáng nói, có hàng nghìn đại lý phân phối phân bón tiếp tay cho phân bón giả. Đứng trước lợi nhuận quá lớn, các cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp quyền và lợi ích của hàng chục triệu hộ nông dân.

Hằng năm nước ta sử dụng trên 11 triệu tấn phân bón. Phân bón giả gây ra hệ lụy rất lớn cho người nông dân, nếu dùng phân bón giả hàm lượng dinh dưỡng không đạt thì năng suất thấp, gây hại đất, ảnh hưởng môi trường, nguồn nước, công sức của người nông dân cả vụ mất hết.

Cục Bảo vệ thực vật dự báo, trong thời gian tới, tình hình vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón sẽ có những diễn biến phức tạp. Để chủ động đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón, góp phần bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón. Đồng thời, vận động người dân chủ động tố giác và không tiếp tay cho các đối tượng vi phạm để góp phần hạn chế các hành vi vi phạm. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, rà soát việc thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh, chất lượng, nhãn hàng hóa, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết...

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay: Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng trong đó quy định các hành vi sản xuất buôn bán hàng giả bị xử phạt hành chính. Mức xử phạt cao nhất là phạt tiền lên đến 200 triệu đồng.

Ngoài ra, cá nhân tổ chức có hành vi sản xuất buôn bán hàng giả là phân bón còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi” theo Điều 195 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội này gồm: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 triệu đồng, hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật Hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên; thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên.