Những chiêu trò mới lừa đảo người dùng thẻ ngân hàng

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịp sát Tết, do nhu cầu chi tiêu của mọi người tăng cao nên các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng thời gian này với các chiêu thức, thủ đoạn khác nhau hướng tới người dùng thẻ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nở rộ các chiêu trò lừa đảo

Thông tin từ Công an quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) cho biết, đơn vị này vừa phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an, cùng các đơn vị nghiệp vụ Công an TP Hồ Chí Minh, tiến hành khám xét và tạm giữ hình sự 86 đối tượng để làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông. Công an đã thu giữ nhiều vật dụng liên quan, trong đó có 27 thẻ ngân hàng của các đối tượng.

Bước đầu, Cơ quan Công an xác định các đối tượng giả danh là nhân viên của ngân hàng phát hành thẻ tín dụng, gọi điện thoại tư vấn các chủ thẻ tín dụng rút tiền mặt qua phần mềm. Sau khi nạn nhân đồng ý, các đối tượng yêu cầu chụp hình 2 mặt thẻ tín dụng và cung cấp mã OTP; sau đó chúng thực hiện quẹt thẻ thông qua các gian hàng trên một website để chuyển đổi tiền từ thẻ của nạn nhân sang tài khoản ví điện tử của các đối tượng, để chiếm đoạt.

Theo thông tin từ các chuyên gia dự án Chống lừa đảo (https://chongluadao.vn, một tổ chức phi lợi nhuận), những ngày gần đây, nhóm này liên tục phát hiện nhiều trang web giả mạo được tạo lập với mục đích lừa lấy thông tin thẻ của người dùng. Thủ đoạn của những kẻ lừa đảo là tiến hành tiếp cận người dùng thông qua các tin nhắn quảng cáo.

Các tin nhắn này thường có nội dung chào mời rút tiền mặt qua thẻ tín dụng với chi phí thấp, thời gian nhận tiền nhanh chóng. Mục đích của kẻ xấu là lừa nạn nhân bấm vào đường link dẫn đến website giả mạo được đính kèm.

Qua thống kê, chỉ trong thời gian ngắn, các chuyên gia của dự án Chống lừa đảo đã phát hiện ra 60 trang web giả mạo với cùng một “mô típ” thực hiện. Đặc điểm chung của các trang web giả mạo này là chúng đều có chứa từ khóa “mpos”. Đây là tên gọi của một loại thiết bị thanh toán có khả năng đọc thẻ, thanh toán trên nền tảng di động.

Những chiếc máy mPOS thường được các cửa hàng, ki ốt trang bị nhằm cung cấp dịch vụ thanh toán không tiền mặt cho khách hàng. Lợi dụng sự phổ biến của hình thức thanh toán này, những kẻ lừa đảo đã phát triển các website giả mạo nhằm lừa người dùng truy cập.

Trong trường hợp người dùng tin tưởng và chủ động nhập các thông tin như tên chủ thẻ, số thẻ, mã CVV lên website, kẻ xấu sẽ có được thông tin này. Chúng sẽ sử dụng thông tin thẻ này để tiến hành các giao dịch thanh toán online và “hack” hết số dư tài khoản.

Chuyên gia thuộc dự án Chống lừa đảo cho biết, lợi dụng tâm lý “khát” tiền mặt của người dùng, càng gần đến dịp Tết Nguyên đán, những chiêu trò lừa đảo dạng này lại càng nở rộ. Thông thường kẻ xấu sẽ thực hiện các giao dịch thanh toán xuyên biên giới nhằm tìm cách “rửa tiền”. Việc truy dấu bọn tội phạm của cơ quan chức năng do đó gặp không ít khó khăn.

Người dùng chủ động nâng cao cảnh giác

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dùng cần phải chủ động nâng cao cảnh giác, không truy cập vào các đường link lạ cũng như không cung cấp thông tin danh tính, giấy tờ quan trọng, số điện thoại, tài khoản ngân hàng dưới bất kỳ hình thức nào.

Trong trường hợp trót điền thông tin thẻ lên website giả mạo, người dùng cần ngay lập tức gọi lên tổng đài để khóa thẻ, hoặc tìm đến chức năng khóa thẻ trên ứng dụng di động của các ngân hàng. Người dùng thẻ cũng nên chủ động cài đặt hạn mức giao dịch trên chính các ứng dụng này để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra nếu chẳng may vô tình trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, dịp sát Tết, các đối tượng lừa đảo thường hướng tới người dùng thẻ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản. Trước tình trạng này, người dùng cần phải chủ động nâng cao cảnh giác. Khi có vấn đề nên gọi ngay cho ngân hàng đang sử dụng dịch vụ, đồng thời báo tới cơ quan chức năng về các trường hợp nghi vấn lừa đảo để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

“Với người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác tuỳ từng mức độ, hành vi phạm tội mà có thể bị xử lý về Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt có thể lên đến 20 năm tù, thậm chí tù chung thân” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng thông tin.

Theo khuyến cáo của các ngân hàng, khi có bất cứ nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo, mua bán, trao đổi trái phép thông tin tài khoản, thẻ ngân hàng, khách hàng liên hệ ngay cơ quan công an nơi gần nhất hoặc ngân hàng để được trợ giúp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần