Một căng thẳng bùng phát giữa 2 miền Triều Tiên có thể gây ra sự gián đoạn lớn với thương mại bởi tầm quan trọng của Hàn Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, từ điện thoại thông minh, ti vi màn hình phẳng đến xe hơi. Thiệt hại nặng nề nhất có thể kể đến các công ty công nghệ.
Không ngạc nhiên khi các công ty công nghệ đang dẫn đầu trong danh sách các công ty nước ngoài kiếm được doanh thu hơn 1 tỷ USD từ Hàn Quốc. Doanh thu từ Hàn Quốc chiếm khoảng 17% tổng doanh thu toàn cầu của cả Qualcomm Inc - nhà sản xuất chip điện thoại di động lớn nhất thế giới và nhà sản xuất thiết bị bán dẫn Applied Materials Inc tại Thung lũng Silicon.
“Hàn Quốc là nước xuất khẩu hàng hóa trung gian lớn và có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản phẩm điện tử toàn cầu”, John Davies, nhà chiến lược tại BMI Research, cho biết. Nếu các hoạt động sản xuất bị đình trệ hoặc phải mất một thời gian dài để phục hồi hoạt động trong trường hợp căng thẳng nổ ra, chuỗi cung ứng của các công ty trên toàn thế giới sẽ bị “đứt gãy”, ông John Davies nói thêm.
Căng thẳng leo thang giữa 2 miền Triều Tiên cũng sẽ ảnh hưởng đến các công ty đang dựa vào lượng tiêu thụ từ người dân Hàn Quốc. Có thể kể đến là BMW và Mercedez-Benz, 2 hãng xe bán chạy nhất ở Hàn Quốc. Tiếp theo là chuỗi cửa hàng cafe Starbucks của Mỹ. Starbuks dự đoán sẽ phá kỷ lục doanh thu 1000 tỷ Won (tương đương 876 triệu USD) của năm ngoái. Hiện đã có hơn 1000 cửa hàng Starbucks ở quốc gia châu Á này. Chuỗi cửa hàng tiện lợi Ministop Co., thuộc sở hữu tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật cũng có tỷ lệ tiêu dùng cao hơn cả thị trường nội địa.
Không chỉ là thị trường “béo bở” của các công ty nước ngoài, quốc gia 51 triệu dân cũng là nhà cung cấp nhiều mặt hàng nổi tiếng được tiêu thụ nhiều trên thế giới. Có thể kể đến là Samsung Electronics Co. và LG Electronics Inc. Như vậy, dù ở tư cách là thị trường tiềm năng hay nhà cung cấp mặt hàng điện tử lớn, khi Hàn Quốc bị ảnh hưởng, nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ chao đảo.