Ngày 22/11, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thông báo chọn tỉ phú Scott Bessent, người sáng lập quỹ đầu tư Key Square Capital Management, làm bộ trưởng tài chính trong nội các sắp tới của ông.
"Tôi rất vui mừng khi đề cử ông Scott Bessent làm bộ trưởng tài chính thứ 79 của Mỹ. Ông Scott được nhiều người kính trọng, là một trong những nhà đầu tư quốc tế và chiến lược gia địa chính trị, kinh tế hàng đầu thế giới" - ông Trump tuyên bố trên mạng xã hội Truth Social.
Ông Scott Bessent là người ủng hộ cải cách thuế và giảm bớt các quy định, đặc biệt là để thúc đẩy hoạt động cho vay tại ngân hàng và sản xuất năng lượng nhiều hơn, như đã nêu trong một bài bình luận gần đây mà ông viết cho báo Wall Street Journal.
Bộ trưởng tài chính tương lai của nước Mỹ cũng được cho là sẽ ủng hộ các biện pháp áp thuế của ông Trump. Tháng trước, ông từng khẳng định thuế là điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán với các đối tác thương mại.
Cựu thần của phe “chống Trump”
Một điều đặc biệt về Scott Bessent là trước khi trở thành nhà tài trợ và cố vấn của Tổng thống đắc cử Trump, vị tỷ phú 62 tuổi này từng có thời gian dài quyên góp cho các ứng viên đảng Dân chủ trong nhiều cuộc tranh cử khác nhau. Đáng chú ý nhất trong số này là chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng của cựu Phó tổng thống Mỹ Al Gore.
Bên cạnh đó, ông Bessent cũng có nhiều năm làm việc tại quỹ quản lý vốn của tỷ phú George Soros, người cũng là một “mạnh thường quân” nổi tiếng của đảng Dân chủ. Ông có vai trò quan trọng trong các hoạt động đầu tư của quỹ Soros tại London (Anh), trong đó phi vụ cá cược nổi tiếng nhân sự kiện "Thứ Tư đen tối" của đồng bảng Anh năm 1992 đã đem lại cho quỹ một nguồn lợi nhuận khổng lồ.
Tuy nhiên, kể từ khi ông Donald Trump lần đầu tuyên bố tham gia cuộc vào Nhà Trắng, Scott Bessent trở thành người gây quỹ nhiệt tình và nhiều lần "bảo vệ" tổng thống đắc cử trong các lần xuất hiện trên phương tiện truyền thông.
Trong bài viết cho Wall Street Journal, ông cho rằng sự tăng vọt của thị trường chứng khoán sau chiến thắng của ông Trump, báo hiệu cho các nhà đầu tư "kỳ vọng về tăng trưởng cao hơn, biến động và lạm phát thấp hơn, và nền kinh tế phục hồi cho tất cả người Mỹ".
Giảm thuế để giải bài toán thâm hụt
Tỷ phú Scott Bessent ủng hộ việc gia hạn các điều khoản của Đạo luật cắt giảm thuế và việc làm năm 2017, mà Tổng thống Trump đã ký thành luật trong năm đầu tiên tại nhiệm, dù nhiều nhà kinh tế ước tính chi phí cho các đợt cắt giảm thuế này sẽ dao động từ gần 6 nghìn đến 10 nghìn tỷ USD trong 10 năm.
Bộ trưởng Tài chính tương lai của Mỹ cũng kêu gọi cắt giảm chi tiêu và thay đổi các loại thuế hiện hành để bù đắp chi phí mà việc gia hạn thuế, tránh tăng nguy cơ thâm hụt liên bang. "Đó sẽ là một cuộc đàm phán với Quốc hội của đảng Cộng hòa", vị tỷ phú chia sẻ với kênh CNBC hôm 6/11. "Tôi đã trao đổi với rất nhiều thành viên đảng Cộng hòa sẽ chủ trì các ủy ban tại Quốc hội. Cơ quan này đang có một nhu cầu lớn về tiền lương".
Trong các cuộc phỏng vấn khác với báo giới, ông Bessent còn đề cập đến nhu cầu giải quyết nợ quốc gia. “Tôi cho rằng nợ và thâm hụt sẽ là vấn đề lớn ở thời điểm hiện tại, khi mọi người dân Mỹ đang lo lắng về chúng”, ông cho biết, đồng thời lập luận rằng giá tiêu dùng có thể giảm xuống “bằng cách khởi động một chương trình giảm thâm hụt.”
Xem thuế quan như “công cụ đàm phán”
Suốt chiến dịch tranh cử năm nay, Tổng thống đắc cử Trump đã đề xuất áp thuế 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc và 20% đối với mọi mặt hàng từ nước khác nhập khẩu vào Mỹ. Điều này vốn bị các nhà kinh tế hoài nghi, và xem chúng như phương thức kém hiệu quả để chính phủ huy động tiền của và thúc đẩy sự thịnh vượng.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Bloomberg hồi tháng 8, ông Scott Bessent xem thuế quan chỉ như "sự điều chỉnh giá một lần" và "không gây lạm phát", và thuế quan áp dụng trong chính quyền thứ hai của ông Trump sẽ chủ yếu nhắm vào Trung Quốc.
"Tôi cho rằng thuế quan theo một cách nào đó có thể được xem như lệnh trừng phạt kinh tế ngầm. Nếu không thích chính sách kinh tế của Trung Quốc, hay cách nước này làm “xâm chiếm” thị trường bằng cách sản xuất hàng hóa quá mức, bạn có thể trừng phạt hoặc đánh thuế họ. Đây cũng là lời đáp trả cho hành vi thao túng tiền tệ".
Tuần qua, ông Bessent đã viết trong một bài xã luận trên Fox News rằng thuế quan là "một công cụ hữu ích để đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại của tổng thống Mỹ”. “Bất luận đó là việc khiến các đồng minh chi nhiều hơn cho quốc phòng, mở cửa thị trường nước ngoài cho hàng xuất khẩu của Mỹ, đảm bảo chấm dứt nhập cư bất hợp pháp, phòng ngừa buôn lậu ma túy, hay ngăn chặn hành vi xâm chiếm quân sự, thuế quan có thể đóng vai trò trung tâm.”
"Kẻ thù" của FED
Tỷ phú Scott Bessent là người hay chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và có khả năng sẽ đóng vai trò chủ chốt khi Tổng thống Trump lựa chọn những người được ông bổ nhiệm để điều hành Ngân hàng trung ương Mỹ.
Tháng trước, ông Bessent đã đưa ra một ý tưởng mới lạ chỉ định một "chủ tịch trong bóng tối" của FED là người kế nhiệm Chủ tịch Jerome Powell sau khi nhiệm kỳ của ông Powell kết thúc vào năm 2026. Tuy nhiên, ý tưởng này nhanh chóng bị rút lại sau khi vấp phải nhiều chỉ trích về tác động tiềm tàng của nó đối với thị trường tài chính.
Mối quan hệ giữa ông Bessent và ứng cử viên bộ trưởng thương mại Howard Lutnick cũng sẽ là một dấu hỏi, do hai người có quan điểm khác nhau về thuế quan và là từng cạnh tranh với nhau cho vị trí bộ trưởng tài chính.
Ngoài ra, nếu được Thượng viện Mỹ phê chuẩn, ông Bessent sẽ là bộ trưởng tài chính Mỹ đầu tiên công khai là người đồng tính nam, và cũng là thành viên nội các đồng tính nam công khai đầu tiên trong một chính quyền của đảng Cộng hòa.
Năm 2020, Tổng thống Trump từng bổ nhiệm Richard Grenell, một người đồng tính nam công khai khác, làm quyền giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia. Tuy nhiên, chức vụ này không cần Thượng viện xác nhận.
Thành viên nội các đồng tính nam công khai đầu tiên trong lịch sử được Thượng viện Mỹ phê chuẩn là ông Pete Buttigieg – Bộ trưởng Giao thông của chính quyền Tổng thống Joe Biden.