Những điều cần biết về Lễ Phật đản 2023

HP (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lễ Phật đản là dịp lễ quan trọng trong Phật Giáo. Vậy, Lễ Phật Đản 2023 là ngày nào, thứ mấy, ý nghĩa ra sao?

Lễ Phật đản là một trong 3 lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp quốc gọi là Vesak (Lễ Phật đản sinh, Lễ Phật thành đạo và Lễ Phật nhập niết bàn).

Đại lễ Phật đản là một trong những lễ hội văn hóa tâm linh lớn của Phật tử. Ảnh: Nhật Thịnh
Đại lễ Phật đản là một trong những lễ hội văn hóa tâm linh lớn của Phật tử. Ảnh: Nhật Thịnh

Nguồn gốc và ý nghĩa của Lễ Phật đản

Lễ Phật đản là cách gọi tôn kính kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật Thích-ca-Mâu-ni (Shakyamuni), người sáng lập Phật giáo, sinh vào ngày trăng tròn tháng Vesak (tháng tâm linh theo quan niệm của người Ấn Độ cổ), năm 624 trước Công nguyên. Trước khi giác ngộ, Đức Phật chính là Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhārtha Gautama) thuộc một quốc gia nhỏ tại khu vực nước Nê-pan ngày nay.

Các quốc gia theo Phật giáo Nam truyền (hay còn gọi là Phật giáo Nguyên thủy hay Phật giáo Tiểu thừa) giữ quan điểm ngày trăng tròn tháng Vesak (theo lịch cổ Ấn Độ) là ngày sinh của Đức Phật, cũng là ngày Đức Phật thành đạo, lại cũng chính là ngày Đức Phật nhập Niết bàn. Do vậy, Phật giáo Nam truyền tổ chức 3 lễ trong một ngày nên gọi là Đại lễ Tam hợp (3 trong một) hay Đại lễ Vesak.

Ngày Phật đản tại các quốc gia theo Phật giáo Tiểu thừa được tổ chức vào ngày trăng tròn trong tháng 5 Dương lịch. Cá biệt có những năm có 2 ngày trăng tròn trong tháng 5 Dương lịch như năm 2007, nên có nơi tổ chức Đại lễ vào ngày trăng tròn đầu tiên, tức ngày 1/5, trong khi tại nơi khác lại vào ngày trăng tròn lần 2 tức ngày 31/5.

Còn theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền (hay Phật giáo Đại thừa), do ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, ngày Đức Phật đản sinh từ lịch cổ của Ấn Độ chuyển sang lịch Trung Hoa là ngày 8/4 Âm lịch. Vì thế trước đây một số quốc gia với đa số Phật tử theo Phật giáo Bắc truyền như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam,… Đại lễ Phật đản được tổ chức vào ngày mùng 8/4 âm lịch.

Song từ Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên diễn ra ở Colombô, Srilanka năm 1950, 26 quốc gia đã thống nhất ngày Phật đản quốc tế là ngày Rằm tháng 4 Âm lịch. Từ đó, các nước theo Phật giáo Đại thừa đã kỷ niệm ngày Phật đản vào ngày 15/4 Âm lịch hàng năm (thường trùng với tháng 5 Dương lịch).

Năm 1999, theo đề nghị của 34 quốc gia có Phật giáo, Đại hội đồng Liên Hợp quốc tại phiên họp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã công nhận Đại lễ Vesak - Phật đản là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hợp quốc. Đến nay, Việt Nam đã 3 lần đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp quốc vào năm 2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), năm 2014 tại chùa Bái Đính (Ninh Bình) và 2019 tại chùa Tam Chúc (Hà Nam).

Lễ Phật đản 2023 là ngày nào?

Ngày Lễ Phật Đản 2023 là Đại lễ Phật Giáo lớn trên toàn thế giới. Vì thế, dịp này sẽ kéo dài trong khoảng 1 tuần, từ ngày 8/4 - 15/4 (Âm lịch), nhằm ngày 26/5/2023 - 2/6/2023 (Dương lịch).

Phật giáo là tôn giáo thịnh hành ở nhiều quốc gia, nhưng tùy vào trường phái mà mỗi nước sẽ có ngày đại lễ khác nhau. Cụ thể:

Phái Bắc Tông: Diễn ra vào ngày 8/4 Âm lịch - 26/5 Dương lịch.

Phái Nam Tông: Diễn ra vào ngày 15/4 Âm lịch - 2/6 Dương lịch.

Những việc nên làm trong ngày Lễ Phật Đản 2023

Để chúc mừng Phật Đản, vào ngày này Phật tử thường vinh danh Tam Bảo qua nhiều hình thức cúng Phật. Trong đó, sẽ có một số hoạt động quan trọng như: Dâng hương, cầu nguyện, ăn chay niệm Phật và giữ Ngũ Giới, làm thiện nguyện, phóng sinh, đến chùa nghe thuyết giảng.

Đi chùa cầu bình an, tưởng nhớ về Đức Phật: Đây là hoạt động quan trọng mà bạn nên làm. Vào những ngày này, chùa thường trang hoàng và tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa mà bạn có thể tham gia như xem diễu hành, thả đèn hoa đăng, xem nghi thức tắm Phật,…

Phật tử lưu ý một số điều kiêng kỵ khi đi chùa như không ăn mặc hở hang, không nói tục chửi thề, không để con nít chạy giỡn lung tung.

Ăn chay: Ăn chay là hình thức hướng về Phật, giúp tâm hồn an yên, gạt bỏ muộn phiền, tích đức cho bản thân, gia đình và con cái.

Lau dọn bàn thờ: Các gia đình trong dịp này thường lau dọn bàn thờ, bài vị tổ tiên để thể hiện lòng thành, hướng Phật. Điều này giúp con người cảm thấy thanh thản, an nhiên và thanh tịnh hơn.

Nghe Pháp, giảng đạo: Đây là dịp để bạn tham gia các khóa học về Phật, hiểu thêm về tôn giáo của bản thân cũng như gột rửa tâm hồn.

Phóng sinh: Phóng sinh là một hoạt động mang tính nhân văn cao mà Phật Tử nên làm. Điều này giảm bớt sát sanh mà còn giúp con người có lòng từ bi và sống an lạc, vui vẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần