Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những lưu ý khi ký hợp đồng lao động có lợi cho người lao động

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Khi thỏa thuận với chủ sử dụng lao động, người lao động nên đưa ra mức lương cao hơn; ký hợp đồng lao động nên có thông tin tiền lương tháng 13; người lao động có quyền ký nhiều hợp đồng lao động với nhiều chủ sử dụng lao động…

Ngày 13/5, Sở LĐTB&XH Hà Nội phối hợp với Thành đoàn Hà Nội, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội tổ chức Hội nghị Phổ biến, trang bị kiến thức pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội cho sinh viên tại trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân phát biểu tại Hội nghị Phổ biến, trang bị kiến thức pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội cho sinh viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân phát biểu tại Hội nghị Phổ biến, trang bị kiến thức pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội cho sinh viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 là cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh toàn bộ mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình lao động sản xuất liên quan đến nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của mỗi bên.

Thực hiện tinh thần của Chỉ thị 37-CT/TW, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội… đến người lao động, người sử dụng lao động và mọi tầng lớp Nhân dân. Qua đó để mọi người đều được tiếp cận các chính sách pháp luật của nhà nước, đặc biệt là các chính sách về lao động, việc làm và bảo hiểm xã hội.

“Việc tổ chức hội nghị hôm nay, chúng tôi mong muốn kịp thời trang bị những kiến thức cần thiết về pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội giúp sinh viên nắm được những quy định về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động. Từ đó, các em hiểu rõ hơn về quan hệ lao động để khi tốt nghiệp đại học có thể tham gia thị trường lao động một cách tự tin và tuân thủ đúng quy định của pháp luật về lao động” – ông Nguyễn Hồng Dân nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Oanh đang phổ biến những quy định của pháp luật lao động. 
Bà Nguyễn Thị Oanh đang phổ biến những quy định của pháp luật lao động. 

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Oanh – Phó Trưởng phòng Lao động – Tiền lương – Bảo hiểm xã hội, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã phổ biến các quy định của pháp luật lao động, bao gồm: Quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động; tuyển dụng lao động; thử việc; hợp đồng lao động; chấm dứt hợp đồng lao động.

Bà Nguyễn Thị Oanh cũng lưu ý sinh viên có 3 thời gian thử việc dành cho 3 đối tượng khác nhau: Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên; không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ; không quá 6 ngày đối với công việc khác.

Khi ký hợp đồng lao động, người lao động lưu ý về địa điểm làm việc (vì có thể DN có nhiều nơi làm việc khác nhau). Người lao động được thỏa thuận về tiền lương gồm có: Tiền lương theo vị trí chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. “Nhà nước đưa ra mức lương tối thiểu vùng 1 là 4.680.000 đồng/tháng, nhưng khi thỏa thuận với chủ sử dụng lao động, người lao động nên đưa ra mức lương cao hơn để thể hiện năng lực và giá trị của bản thân” – bà Nguyễn Thị Oanh lưu ý.

Các em sinh viên đang đọc tìm hiểu những thông tin quy định của pháp luật lao động; chế độ, quyền lợi liên quan đến bảo hiểm xã hội. Ảnh: Trần Oanh.
Các em sinh viên đang đọc tìm hiểu những thông tin quy định của pháp luật lao động; chế độ, quyền lợi liên quan đến bảo hiểm xã hội. Ảnh: Trần Oanh.

Trong hợp đồng lao động nên có thông tin tiền lương tháng 13. Người sử dụng lao động thường thỏa thuận trả tháng lương thứ 13 khi người lao động làm hết năm đó; nhưng, người lao động nên thương lượng làm mấy tháng trong năm thì được hưởng tỷ lệ bao nhiêu phần trăm để tránh bị thiệt thòi

Người lao động có quyền ký nhiều hợp đồng lao động với nhiều chủ sử dụng lao động khác nhau. Nhưng lưu ý: Hợp đồng lao động đầu tiên được căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; hợp đồng nào có mức lương cao nhất thì làm căn cứ đóng bảo hiểm y tế.

Bộ luật Lao động 2019 quy định có 2 loại hợp đồng lao động, gồm có: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn; hợp đồng lao động xác định thời hạn. Đối với hợp đồng xác định thời hạn, trong thời gian 30 ngày hết hạn thì hai bên ký kết hợp đồng mới có thỏa thuận lại về tiền lương, việc làm. Trường hợp, hai bên không ký kết hợp đồng mới thì hợp đồng đã giao kết trở thành hợp đồng xác định thời hạn.

Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và phải báo trước ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn; ít nhất 3 ngày nếu làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn dưới 12 tháng.

Khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật Lao động 2019 thì có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm được nửa tháng tiền lương (trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu) và trả trợ cấp mất việc làm mỗi năm 1 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 2 tháng tiền lương.

Tại Hội nghị, bà Lê Thị Ngọc Nghĩa – Phó Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội đã phổ biến tới sinh viên đề chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc; chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế, bảo hiểm y tế hộ gia đình, để các em làm hành trang tham gia thị trường lao động.