Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những ngôi làng độc đáo ở Quảng Trị: Vĩnh Hoàng cả làng nói... trạng

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự nhấn nhá, sử dụng các thán từ riêng biệt và cả việc “trạng” trong từng câu chuyện ở làng Vĩnh Hoàng khiến người nghe không thể không phì cười. Người từ nơi khác đến nơi đây mới cảm nhận được về nét đặc sắc, lạc quan của làng trạng nổi tiếng ở miền Trung.

"Nghệ nhân nhí" làng trạng Nguyễn Trần Thiên Phúc kể một đoạn chuyện trạng Vĩnh Hoàng.

Nức tiếng làng trạng

Dù đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng những từ địa phương Quảng Trị nhưng tôi vẫn bất ngờ bởi những từ mà không hề có trong sách vở cũng như cách phát âm đến… nặng trịch của người làng trạng Vĩnh Hoàng (nay là xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).

Chị Hoàng Dạ Hương, cán bộ văn hóa xã Vĩnh Tú dẫn tôi ghé nhà cụ Võ Văn Nồng (thôn Tây Ba, xã Vĩnh Tú) – một nghệ nhân làng trạng. Dù sức khỏe không còn tốt khi ở cái tuổi xế chiều nhưng ông vẫn minh mẫn, hồ hởi đón khách. Ly nước chè xanh, dưa hấu đỏ trở thành thứ đãi khách thân thiện giữa cái oi nồng của buổi chiều miền Trung nắng gió.

 

UBND xã Vĩnh Tú nỗ lực trong việc giữ gìn, phục hồi và phát triển những giá trị văn hóa phi vật thể chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Trong đó, UBND xã đang lên kế hoạch tổ chức Câu lạc bộ chuyện trạng Vĩnh Hoàng.

“Làm ly nác chè đứng đụa, ăn méng dưa đỏ Vĩnh Tú rồi eng hỏi chi eng nói hí”, cụ Nồng nói đặc sệt giọng địa phương cười. (Uống ly nước chè đặc đứng đũa, ăng miếng dưa hấu đỏ Vĩnh Tú rồi anh hỏi chi anh nói đi). Miếng dưa mát ngọt kèm theo cái gió từ bàu nước Thủy Ứ thổi lên bên hiên nhà cụ Nồng khiến bao nhiêu oi bức như xua dần đi.

Nghệ nhân Võ Văn Nồng vừa là người kể chuyện trạng vừa sáng tác những câu chuyện trạng bằng hình thức sân khấu hóa nhằm gìn giữ nét văn hóa làng trạng Vĩnh Hoàng.
Nghệ nhân Võ Văn Nồng vừa là người kể chuyện trạng vừa sáng tác những câu chuyện trạng bằng hình thức sân khấu hóa nhằm gìn giữ nét văn hóa làng trạng Vĩnh Hoàng.

“Chà, nãy chừ quéo quéo cái tay tưởng tai biến, hóa ra đường ra dính cả tay”, chị Hoàng Dạ Hương nói tỉnh bơ khi trên tay cầm miếng dưa đỏ (được ví ngọt chảy cả đường dính vào tay) mà cụ Nồng đưa, tôi biết mình bắt đầu lạc vào câu chuyện trạng của các chị, các bác nơi đây.

Những chuyện tiêu biểu trong kho tàng chuyện trạng Vĩnh Hoàng kể không bao giờ hết, qua mỗi nghệ nhân được diễn đạt bằng mỗi cách khác nhau. Và cũng từ ý tưởng cửa các câu chuyện trạng, được người dân sáng tác thêm những tác phẩm khác.

Như, chuyện bụi khoai lang quá tươi tốt, khi thu hoạch người dân lần theo ngọn của nó, đi cả buổi mới tìm được ngọn khoai lang, lúc này sực tỉnh lại thì đã ở đất Quảng Bình (chuyện Ngọn khoai lang bò hai tỉnh). Hay như chuyện về giống dưa hấu cũ của người dân Vĩnh Tú quả to cả chục kg, mọng nước (dù giống cũ này đã không còn) được kể: Quả dưa to đến nỗi cả đàn quạ khoét vỏ chui vào ăn, người dân cứ bịt vỏ dưa lại rồi ngồi “bắt bọp, bắt bọp” (giết) mỏi cả tay, được 99 con quạ…

Bức tranh bắt hổ đi cày thể hiện cái "trạng" của làng được ông Trần Hữu Chư thể hiện qua tranh vẽ.
Bức tranh bắt hổ đi cày thể hiện cái "trạng" của làng được ông Trần Hữu Chư thể hiện qua tranh vẽ.

Khi hỏi về làng nói trạng, cụ Nồng cười lớn rồi phân bua: “Cả làng nói trạng chứ chắc tui mô, họ hay đùa: Vĩnh Hoàng cả làng nói trạng!”. Thế nhưng, nói trạng thì ai cũng nói được, tuy nhiên để diễn đạt hóm hỉnh cùng thổ ngữ địa phương, đặc biệt sự nhấn nhá bằng cách riêng của người làng trạng mới thấy được sự lôi cuốn đến khác lạ.

Điều đó đã hấp dẫn nhiều nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ đến tìm hiểu làng Trạng và người làng Trạng đã mang những câu chuyện trạng của mình cùng với thổ ngữ đặc biệt biểu diễn trên sân khấu khắp tỉnh.

Bà Cái Thị Vượng, Phó Giám đốc Trung tâm quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị cho biết: Ngữ âm dân gian xã Vĩnh Tú vốn được nảy sinh trong quá trình sống và lao động của người dân và ở đây, mã thanh điệu hay nói rõ hơn đó là sự biến đổi về mặt thanh điệu trong ngôn ngữ chính là nguyên nhân quyết định tạo nên sự khác biệt này.

"Cư trú trên một vùng đất đỏ gần sát biển, người dân nơi đây có thói quen phát âm nặng và lệch âm. Phong cách sử dụng các yếu tố như phụ âm, từ láy, từ ghép, kiểu câu... trong quá trình phát âm cũng có sự thay đổi, từ đó tạo nên một chất giọng đặc trưng riêng, được người dân sử dụng trong quá trình giao tiếp hàng ngày - để làm nên "phương ngữ Vĩnh Hoàng", trở thành một trong những di sản văn hóa phi vật thể của Quảng Trị", Bà Cái Thị Vượng đánh giá.

Trong câu chuyện của ông có eng (anh), có ả (chị), có lạo (người kia, con kia), có hắn (người nọ) , có răng (sao), tê (kia), mô (ở đâu), ri (đây), rứa (đó)… Hay là sự nhấn nhá, lên bổng, xuống trầm cùng những thán từ riêng của vùng trạng, như: đó nơ, đó tê, ui cha, hí, há, ma le… Bằng sự thông minh, hóm hỉnh thế nên dù có nói vống lên gấp trăm lần nhưng vẫn hấp dẫn, lôi cuốn người nghe.

Thế nên, việc đọc các câu chuyện trạng trên giấy (viết cả bằng phương ngữ địa phương) trở nên cứng ngắc và bình thường. Bởi ở đó không có còn cái hồn của nghệ nhân kể chuyện Trạng nữa.

Giữ mạch nguồn làng trạng

Cái tên trạng Vĩnh Hoàng hay trạng Huỳnh Công bắt nguồn từ địa danh cũ nơi đây. Theo các nhà nghiên cứu, “chuyện trạng Vĩnh Hoàng” rất khác với hình thức nói láo, nói dối, nói khoác. Người làng trạng thường cường điệu, phóng đại về một hiện thực vốn có, đây là điểm riêng biệt của chuyện trạng Vĩnh Hoàng so với những chuyện cười dân gian khác.

Sau ngày lao động hoặc phút nghỉ ngơi, người dân vẫn nói trạng hàng ngày để tếu táo xua đi căng thẳng mệt mỏi sau một ngày lao động. Thế nhưng, nghệ nhân kể được chuyện trạng đúng chất trạng giờ đếm trên đầu ngón tay.

Bên cạnh đó, với việc sử dụng phương ngữ địa phương cùng các thán từ riêng biệt hạn chế người nghe cũng như ít sử dụng dần, khiến người dân không còn mặn mà lắm với việc kể chuyện trạng. Điều đó, khiến chuyện trạng Vĩnh Hoàng có thời gian gần như rơi vào quên lãng.

Một góc làng trạng Vĩnh Hoàng ngày nay với đặc trưng các rặng trâm bầu, dẻ và bàu (hồ) Thủy Ứ trở thành các đề tài trong chuyện kể trạng Vĩnh Hoàng.
Một góc làng trạng Vĩnh Hoàng ngày nay với đặc trưng các rặng trâm bầu, dẻ và bàu (hồ) Thủy Ứ trở thành các đề tài trong chuyện kể trạng Vĩnh Hoàng.

May thay, vẫn còn có những nghệ nhân, người dân say mê với văn hóa truyền thống qua các câu chuyện trạng. Từ chuyển hóa các câu chuyện trạng thành thể thơ lục bát, kịch ngắn, vẽ tranh minh họa chuyện trạng… để người nghe dễ hiểu hơn, dễ truyền đạt hơn mà vẫn giữ được sự hóm hỉnh, thông minh của người dân làng trạng. Như, nghệ nhân Trần Đức Trí (vừa mới mất), nghệ nhân Nguyễn Đình Sồ, nghệ nhân Võ Văn Nồng, người vẽ chuyện trạng cụ Trần Hữu Chư... và những người trẻ khác nữa.

Cùng với đó, UBND xã Vĩnh Tú đã nỗ lực trong việc giữ gìn, phục hồi và phát triển những giá trị văn hóa phi vật thể chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Trong đó, UBND xã đang lên kế hoạch tổ chức Câu lạc bộ chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Từ đây, tạo sân chơi cho người dân có cơ hội để tập trung biên soạn, sáng tác, biến tấu ra nhiều thể loại về trạng, viết ra để kể. Đồng thời, đào tạo nên những nghệ nhân trẻ cho làng trạng Vĩnh Hoàng với những nét phương ngữ trăm năm qua.

"Với việc xây dựng Câu lạc bộ sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Đồng thời, phát huy yếu tố tích cực cũng như tác dụng của chuyện trạng trong đời sống tinh thần của nhân dân đã trở thành truyền thống và là một hình thức văn hóa, văn nghệ độc đáo của địa phương", bà Lê Thị Anh Chi, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tú chia sẻ.

Khi gặp cậu bé Nguyễn Trần Thiên Phúc (9 tuổi, thôn Tây Ba, xã Vĩnh Tú) nhiều người đã cười một cách sảng khoái khi nghe em kể vanh vách những chuyện trạng vĩnh Hoàng. Chỉ mới học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Kim Đồng, nhưng Phúc đã đứng trên nhiều sân khấu từ ở xã cho đến tỉnh lúc em mới  6-7 tuổi để kể chuyện trạng bằng những thổ âm, thổ ngữ “đặc sệt” địa phương cùng sự nhấn nhá, nhả chữ đúng chất làng trạng.

"Nghệ nhân nhí" làng trạng Nguyễn Trần Thiên Phúc.
"Nghệ nhân nhí" làng trạng Nguyễn Trần Thiên Phúc.

“…Bà con chộ (thấy) đó, mần (làm) người nông dân cực khổ trăm bề bà con nờ. Được cái bui (vui). Khoai lang bợ (bở) mà bụi bay cho mù mịt, rứa mà mắt mụi (mũi) mô (sao) mà lưa (còn) hè. Từ đó cho tới bựa ni (bữa nay), cả làng tui (tôi) ai ăn khoai cũng phải đeo kính hết tê…”, Phúc kể chuyện giọng địa phương đặc sệt khi khoe khoai lang của làng trạng bở đến nỗi khi bẻ đôi củ khoai khiến bột khoai bay mù mịt.

Nhìn Phúc say sưa kể chuyện trạng, tôi tin rằng dù chuyện trạng Vĩnh Hoàng đã không còn thời “đỉnh cao” nhưng mạch nguồn làng trạng vẫn chảy mãi, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như bàu (hồ) Thủy Ứ của làng chưa bao giờ khô cạn.

Có lẽ, cần sự quan tâm, động viên, khích lệ hơn nữa để tạo nên những nghệ nhân mới cho làng trạng Vĩnh Hoàng. Để mỗi khi về làng trạng được nghe tiếng cười đầy lạc quan của những con người yêu đời, yêu cuộc sống, từ trong bom đạn chiến tranh đến những khó khăn vẫn rung đùi ngồi nói…trạng.