- Tại buổi làm việc với thủ trưởng các đơn vị sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, mức chuẩn trợ cấp xã hội hiện nay 360.000 đồng/tháng là quá thấp. Vì thế, trong năm 2024 toàn ngành phấn đấu tham mưu để nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội lên 750.000 đồng/tháng, tối thiểu phải bằng 50% hộ nghèo nông thôn.
Trước đó, Bộ LĐTB&XH đã có đề xuất nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng hoặc 750.000 đồng/tháng.
Theo Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTB&XH Tô Đức, hiện nay, đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng là hơn 3,3 triệu người và nhóm chăm sóc người tâm thần nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, không tự phục vụ khoảng 400.000 người.
Như vậy, khoảng 3,7 triệu người nhận trợ cấp xã hội hàng tháng; Nhà nước đang chi trả khoảng 28.000 tỷ đồng/năm, bao gồm trợ cấp, chăm sóc, bảo hiểm y tế.
Hiện nay, chuẩn trợ cấp xã hội rất thấp, chỉ đạt 24% so với chuẩn nghèo khu vực nông thôn (1.500.000 đồng/tháng) và 20% so với lương cơ sở (1.800.000 đồng/tháng).
Năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 88 và giao Bộ LĐTB&XH phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ nâng mức trợ cấp lên đối với nhóm đối tượng bảo trợ xã hội.
Bộ LĐTB&XH đã xây dựng phương án, lấy ý kiến các bộ, ngành, đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu, bố trí tăng nguồn lực dành cho đối tượng này, phù hợp với điều kiện khả năng ngân sách khi thực hiện cải cách tiền lương.
Nếu tăng mức trợ cấp xã hội từ 360.000 đồng/tháng lên 750.000 đồng/người/tháng, tương đương khoảng 50% chuẩn nghèo khu vực nông thôn thì ngân sách dự kiến chi 54.000 tỷ đồng/năm. Nếu thực hiện từ ngày 1/7/2024, kinh phí bố trí thêm khoảng 13.000 tỷ đồng.
Đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng là trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng; trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo; người nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo không có nguồn thu nhập hàng tháng; người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng; người cao tuổi...
Đối tượng người cao tuổi không có lương hưu thuộc một trong các trường hợp quy định sau, được hưởng trợ cấp hàng tháng:
- Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Mức trợ cấp xã hội hàng tháng nhân với hệ số 1,5 đối với người từ đủ 60 tuổi đến 80 tuổi, tương ứng 540.000 đồng/tháng; hệ số 2,0 đối với người từ đủ 80 tuổi trở lên tương ứng 720.000 đồng/tháng.
- Người cao tuổi từ 75 đến 80 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn; mức trợ cấp xã hội hàng tháng hệ số 1,0, tương ứng 360.000 đồng/tháng.
- Người từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng; mức trợ cấp xã hội hàng tháng hệ số 1,0, tương ứng 360.000 đồng/tháng.
- Người cao tuổi thuộc hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng; mức trợ cấp xã hội hàng tháng nhân với hệ số 3,0, tương ứng 1.080.000 đồng/tháng.
Nếu nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội lên 750.000 đồng thì người cao tuổi không có lương hưu thuộc hộ nghèo sẽ được nhận số tiền cao nhất là 750.000 đồng x 3,0 = 2.250.000 đồng/tháng; người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng được trợ cấp 750.000 đồng/tháng.