70 năm giải phóng Thủ đô

Những người thầy gieo mầm hạnh phúc

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng năm, cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 lại là dịp để các thế hệ học trò tri ân thầy cô - những người tận tụy ngày đêm cho sự nghiệp cao quý “trồng người”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trao Cờ Đơn vị xuất sắc phong trào thi đua cho các tập thể trong ngành giáo dục trên địa bàn thành phố. Ảnh: Hoàng Hiếu
Sáng tạo để học sinh hạnh phúc
Góp phần vào thành tích chung của ngành Giáo dục, trong đó có Giáo dục Thủ đô là đội ngũ những nhà giáo luôn tâm huyết, nhiệt tình, tận tụy, giỏi chuyên môn và say mê với nghề. Rất nhiều thầy cô thực sự là những “tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo” đã không ngừng phấn đấu cũng như khẳng định trách nhiệm và sứ mệnh vẻ vang của mình. Đó là cô giáo Trần Thị Bích Ngọc – Giáo viên trường Tiểu học (TH) Đông Thái, quận Tây Hồ đã truyền cảm hứng tới đồng nghiệp về đổi mới phương pháp đánh giá và động viên HS. Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Linh – Giáo viên trường TH Khương Mai, quận Thanh Xuân; cô giáo Nguyễn Thị Huyền Trang – Giáo viên trường TH Minh Khai B, quận Bắc Từ Liêm; cô giáo Nguyễn Thị Mai Hương – Phó Hiệu trưởng trường TH An Hưng, quận Hà Đông; cô giáo Đồng Thị Quyên – Hiệu trưởng trường TH Long Biên, quận Long Biên... là những tấm gương tâm huyết, có những đổi mới về phương pháp giáo dục.

Là thành viên của trường Mầm non (MN) Họa Mi, quận Cầu Giấy, trong quá trình dạy học, cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy nhận thấy việc ứng dụng CNTT sẽ giúp giảm tải cho giáo viên rất nhiều khi chuẩn bị đồ dùng học liệu. Nếu giáo viên biết khai thác CNTT sẽ giúp cho bài học của trẻ phong phú hơn. Cô Ngọc Thủy đã bắt tay ngay vào nghiên cứu và sử dụng thành thạo 10 phần mềm hỗ trợ dạy - học và xây dựng được hơn 170 bài giảng điện tử, E-learning và trên 3.200 trò chơi dạy trẻ. Từ những bài giảng đó, cô Thủy xin ý kiến Ban Giám hiệu chuyển thành các video bài giảng có thể dạy trên đầu đĩa tivi giúp giáo viên dạy trẻ mọi lúc, mọi nơi. “100% lớp trong trường ứng dụng các bài giảng điện tử, bài giảng E-learning và các video bài giảng vào thực tế dạy trẻ rất hiệu quả. Những hình ảnh sinh động đã hấp dẫn trẻ hào hứng tham gia học bài, nhận thức tăng lên, thích đến lớp, yêu cô yêu bạn” – cô Thủy phấn khởi cho hay.

Trường THCS Thanh Xuân Trung là đơn vị công lập đầu tiên trong quận Thanh Xuân triển khai hoạt động dạy học trực tuyến, quản lý lớp học trực tuyến. Qua tìm tòi và nhiều lần thử nghiệm, cô giáo Đoàn Thu Huyền – Tổ phó Chuyên môn tổ Tự nhiên 1 đã ứng dụng được các tính năng vượt trội của phần mềm Zoom dạy học trực tuyến (tổ chức hoạt động nhóm, tổ chức trò chơi, chia đôi màn hình) để chấm, chữa, nhận xét đánh giá bài trực tiếp... Cô Huyền còn trực tiếp hướng dẫn, chia sẻ những gì mình khai thác được tới toàn thể các giáo viên trong trường và lan tỏa tới giáo viên quận Thanh Xuân, nhận được nhiều phản hồi tích cực về hiệu quả, đổi mới...

Trong đợt đại dịch Covid-19, thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, các trường học ở nội thành Hà Nội cho đến ngoại thành đã khai thác CNTT vào dạy học trực tuyến và giao bài tập về nhà cho HS. Trong “cái khó ló cái khôn”, với tình yêu thương học trò, các nhà giáo đã sáng tạo tìm ra cách dạy học online hiệu quả. Đơn cử như thầy Nguyễn Xuân Trường – Hiệu trưởng trường Tiểu học Đội Bình, huyện Ứng Hòa, đã lập fanpage, facebook và 1 kênh youtube để đăng tải và giao trên 500 trang tài liệu cùng 150 video hướng dẫn ôn tập Toán giúp HS ôn tập, tự học. Ngoài ra, thầy Trường kết hợp facebook, zalo, messenger tiếp tục trao đổi, chia sẻ với giáo viên, HS, phụ huynh.
Tiết học Hóa của cô và trò trường THPT Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên. Ảnh: Thanh Hải
Truyền cảm hứng yêu quê hương đất nước qua từng bài học

Trong buổi xét thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm học 2019 – 2020 mới đây, Hội đồng xét thưởng hết sức ấn tượng với bài thuyết trình của cô Nguyễn Thị Phương Anh - Hiệu trưởng trường MN Kim Lan, huyện Gia Lâm về ý tưởng “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” theo hướng mở, giúp các em phát triển toàn diện. “Để giúp các bé hiểu biết hơn về quê hương làng gốm sứ Kim Lan, ngoài việc học trên lớp, tôi đã phối hợp với phụ huynh cho các lớp tham gia hoạt động ngoại khóa trải nghiệm tại Bảo tàng gốm sứ Kim Lan, xưởng gốm. Sau khi trẻ được tham quan trải nghiệm, tìm hiểu, nhà trường xây dựng mô hình làng gốm sứ Kim Lan được dàn dựng tại các góc sảnh cầu thang, hành lang nhà trường có đầy đủ giá, đồ dùng dụng cụ sản xuất để các bé trải nghiệm, thỏa sức đam mê, say sưa với các nguyên vật liệu từ đất, đổ khuôn, tạo hình và vẽ sản phẩm. Từ những hoạt động đó, trẻ càng hiểu rõ hơn về công việc hàng ngày của cha mẹ, biết yêu quê hương và có ý tưởng sau này tiếp tục xây dựng phát triển làng gốm sứ Kim Lan” – cô Phương Anh cho hay.

Có thể nói, kể từ khi Bộ GD&ĐT thay đổi hình thức thi tốt nghiệp THPT, nhiều HS đầu tư thời gian học các môn thi trắc nghiệm và có những em ngại, “sợ” học Ngữ văn - môn thi tự luận. "Làm sao để HS yêu và thích Ngữ văn?” là trăn trở của nhiều giáo viên dạy Văn. Sau nhiều ngày tìm tòi, nghiên cứu, đổi mới, cô Nguyễn Thị Xuân Bình – Giáo viên Ngữ văn, trường THCS Tản Hồng, huyện Ba Vì đã tìm ra phương pháp dạy học phù hợp và hiệu quả nhất đối với từng HS. Cô Bình phấn khởi: “Tôi đặc biệt chú trọng tạo hứng thú cho HS trong học tập bằng những thước phim, bài thơ được phổ nhạc, trò chơi vui học. Từ đó, HS nhận thấy giờ học Văn không nhàm chán mà ngược lại có tâm thế học tập tốt hơn”. Ở vị trí Nhóm trưởng bộ môn Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Thủy đến từ trường THPT Chương Mỹ A, huyện Chương Mỹ lại xây dựng các chuyên đề “Con người Việt Nam trong thơ ca và âm nhạc giai đoạn 1945 – 1975”, “Tìm về mạch nguồn dân tộc qua các tác phẩm văn học dân gian”... đã tạo nhiều hứng khởi cho HS toàn trường. HS từ chỗ “sợ”, ngại học Văn đã hứng thú, tích cực hơn qua các chuyên đề.

Nhiều giáo viên khác bằng khả năng sư phạm và kiến thức, kinh nghiệm đã biến những tiết học Giáo dục công dân, Lịch sử... bằng việc thắp sáng trong trái tim học trò ngọn lửa đam mê, sáng tạo và yêu thương. Với mong muốn, mỗi tiết học Lịch sử sẽ luôn là buổi học vui vẻ, ý nghĩa và là niềm mong đợi của HS, cô Nguyễn Thị Tuyết – Giáo viên trường THPT Xuân Khanh, huyện Ba Vì đã vận dụng khoa học giáo dục tiên tiến, sáng kiến vào giảng dạy. Trong đó, đặc biệt chú ý tới việc lựa chọn các phương pháp kỹ thuật dạy học mới phù hợp với từng bài học giúp HS say mê, hứng thú học tập.

Còn rất nhiều tấm gương các thầy cô giáo khác tâm huyết, sáng tạo để mỗi ngày HS đến trường, mỗi giờ học đều cảm nhận được hạnh phúc. “TP không quên ghi nhận và biết ơn nhiều tấm gương nhà giáo lặng lẽ cống hiến, tận tâm vì sự nghiệp trồng người, góp phần vào thành tích chung của mỗi nhà trường, mỗi cơ sở giáo dục, đào tạo...” – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã nhấn mạnh tại Lễ tuyên dương khen thưởng các điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu ngành GD&ĐT Thủ đô năm 2020.