Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nikkei Asia: Lào đang cố gắng vươn lên khỏi hàng ngũ các nước kém phát triển

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nikkei Asia bình luận, một số dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc hậu thuẫn đang được tiến hành ở Lào, tạo ra những hy vọng xen lẫn nghi ngại cho quốc gia Đông Nam Á đang cố gắng vươn lên khỏi hàng ngũ các nước kém phát triển.

Tuyến đường cao tốc do Trung Quốc tài trợ, nối Viêng Chăn với Vang Vieng của Lào, được khai trương vào cuối năm 2020. Ảnh: Nikkei Asia
Theo Tân Hoa Xã, Chính phủ Lào đầu tháng 6 vừa qua đã thông báo về tuyến đường cao tốc mới nối thủ đô Viêng Chăn ở miền Trung nước này với thị xã Pakse, tỉnh Champasack ở miền Nam.

Tuyến đường cao tốc dài 578km, trị giá 5,1 tỷ USD, được Lào giới thiệu là một trong những dự án cơ sở hạ tầng hàng đầu của nước này. Tuyến đường được đề xuất bởi Viện Thiết kế và Quy hoạch Truyền thông tỉnh Hà Nam (HNRBI) - một công ty tư vấn của Trung Quốc.

Theo Laotian Times, tuyến đường cao tốc mới hứa hẹn sẽ giảm thời gian đi lại từ Viêng Chăn đến Pakse xuống còn 7 giờ, so với 10 giờ đồng hồ như hiện tại. Nó cũng tăng cường kết nối với 2 TP lớn của nước ngoài ở phía Nam, là thủ đô Bangkok của Thái Lan và TP Hồ Chí Minh của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Lào cũng vừa bắt tay vào nghiên cứu một đề án đường cao tốc khác nối thị trấn Boten giáp Trung Quốc với tỉnh Bokeo ở biên giới với Thái Lan. Đường cao tốc dài 180km này dự kiến sẽ tiêu tốn 3,8 tỷ USD, cho phép đi từ miền Nam Trung Quốc đến Thái Lan thông qua Lào chỉ trong 1 giờ rưỡi đồng hồ.

Trước đó, một tuyến đường cao tốc đầu tiên tại Lào và cũng là tuyến đường đầu tiên kết nối Trung - Lào thuộc Sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) của Bắc Kinh, đã hoàn thành.

Tuyến đường dài 110km nối trung tâm thủ đô Viêng Chăn với thị trấn du lịch Vang Vieng ở phía Bắc, được khai trương vào cuối năm 2020. Nó đã giảm thời gian đi lại giữa Viêng Chăn - Vang Vieng xuống chưa đầy 2 giờ, so với thời gian 3 giờ đồng hồ như trước đây.

Đường cao tốc Viêng Chăn - Vang Vieng hiện thuộc sở hữu của Trung Quốc 95% theo kế hoạch xây dựng - vận hành - chuyển giao. Sau 50 năm, quyền kiểm soát và lợi nhuận của đường cao tốc này sẽ chuyển về Lào.

Theo Nikkei Asia, mặc dù cổ phần của Chính phủ Lào trong dự án này chỉ là 5%, gánh nặng tài chính là không hề nhẹ đối với một quốc gia đã liên tục thâm hụt. Tổng chi phí xây dựng của 3 tuyến đường cao tốc do Trung Quốc đảm nhiệm sẽ là 17,8 tỷ USD - lớn hơn gấp 4 lần so với chi tiêu tài khóa 2020 của Chính phủ và gần bằng GDP của đất nước.

Đường cao tốc không phải là lĩnh vực cơ sở hạ tầng duy nhất mà Lào phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuyến đường sắt cao tốc nối Viêng Chăn với miền Nam Trung Quốc, với tốc độ 160 km/h, dự kiến ​​sẽ khai trương vào tháng 12 tới tại một quốc gia được cho đang thiếu cả hệ thống đường sắt thông thường.

Khi dự án đường sắt này bắt đầu được triển khai vào tháng 9/2016, Tân Hoa xã đưa tin: "Đường sắt Trung - Lào là dự án đường sắt ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc chủ yếu do Trung Quốc tài trợ, xây dựng và vận hành, và kết nối với mạng đường sắt chính của Trung Quốc".

Năm 2019, 2 nước đã ký kế hoạch tổng thể xây dựng cộng đồng Lào - Trung, nâng tầm quan hệ giữa 2 quốc gia từ "đối tác chiến lược" thành "một cộng đồng với một tương lai chung".

Nikkei Asia bình luận, Lào đang đặt cược vào Trung Quốc để giúp củng cố nền kinh tế của mình, khi nước này đang cố gắng vươn lên khỏi hàng ngũ các nước kém phát triển nhất thế giới.

Nội các mới của quốc gia, được thành lập vào tháng 3 năm nay, đặt mục tiêu tăng trưởng hàng năm trên 4% trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 5 năm đến năm 2025. Thách thức lớn hiện nay là cuộc khủng hoảng Covid-19, đã tàn phá ngành du lịch quan trọng của Lào, buộc quốc gia không giáp biển này phải chuyển sang các dự án phát triển hạ tầng của Trung Quốc như một nguồn vốn.

Tuy nhiên, các khoản nợ chính thức của Lào hiện đã vượt quá 60% GDP, như một cảnh báo về khả năng trả nợ của nước này. Vào tháng 9/2020, Fitch Ratings đã hạ xếp hạng IDR của Lào từ B- xuống mức CCC, cho rằng dự trữ ngoại tệ của nước này "không đủ" cho kế hoạch trả nợ trong tương lai.

Nếu Lào rơi vào tình trạng nợ đọng, nhiều tài sản cơ sở hạ tầng của nước này có thể bị Trung Quốc thu giữ. Năm 2018, Trung tâm phát triển toàn cầu của Mỹ cho rằng Lào là 1 trong 8 quốc gia có các khoản nợ đặc biệt nặng nề đối với Trung Quốc.