Thị trường 2023 trầm lắng
Ngày 2/1, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận Lê Phạm Quốc Vinh cho biết, những năm qua, việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh đã trở thành nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Qua đó, góp phần phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị và nông thôn của các địa phương.
Thị trường bất động sản tỉnh Ninh Thuận đang dần hình thành nhưng chủ yếu là tập trung vào loại hình đất ở tại các khu đô thị, khu dân cư, căn hộ nhà ở xã hội và căn hộ nghỉ dưỡng. Riêng các dự án nhà ở thương mại đang trong quá trình thi công và kêu gọi đầu tư nên đến nay vẫn chưa phát sinh giao dịch.
Lượng giao dịch bất động sản hàng năm trên địa bàn tỉnh còn thấp, chủ yếu là giao dịch về đất nền và nhà ở, không có các loại hình khác như biệt thự cho thuê, văn phòng kết hợp lưu trú. Riêng nhà ở xã hội gần như được giao dịch hết qua các đợt xét nhu cầu cho các đối tượng đủ điều kiệm mua, thuê mua theo quy định.
Ông Lê Phạm Quốc Vinhcho biết, đến thời điểm hiện nay, Ninh Thuận có 18 dự án phát triển nhà ở, dự án bất động sản được chấp thuận chủ trương, đang triển khai, hoàn thành gồm 13 dự án khu dân cư, khu đô thị mới; 1 dự án nhà ở xã hội, 2 dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Ngoài ra, còn có các dự án đã được chấp thuận nhà đầu tư, đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng gồm Khu đô thị mới Phủ Hà, Khu đô thị mới bờ sông Dinh, Khu đô thị mới Mỹ Phước.
Ông Lê Phạm Quốc Vinh cũng cho biết, năm 2023, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh vẫn trầm lắng, chưa có dấu hiệu phục hồi.
Riêng trong quý IV/2023, Ninh Thuận không có dự án khu đô thị, nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, dẫn đến nguồn cung bất động không có sự biến động, nguồn cung trên thị trường chủ yếu đến từ các dự án mở bán trước đó hoặc các dự án có quy mô nhỏ, sở hữu cá nhân.
“So với cùng kỳ năm 2022, số lượng giao dịch về đất ở, nhà ở qua công chứng, chứng thực trong quý IV/2023 có sự sụt giảm. Cụ thể, số lượng giao dịch về đất ở, nhà ở qua công chứng 437 trường hợp (giảm 389 trường hợp so với quý IV/2022). Số lượng giao dịch về đất ở, nhà ở qua chứng thực khoảng 206 trường hợp (giảm 42 trường hợp so với quý IV/2022). Giá giao dịch bất động sản không có nhiều biến động, trung bình khoảng 8-16 triệu đồng/m2” – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận thông tin.
Nhiều giải pháp thúc đẩy thị trường
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận cho biết, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được ban hành, tiềm năng, lợi thế được nhận diện rõ sẽ thúc đẩy nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Cùng với đó là các dự án hạ tầng trọng điểm về giao thông, thủy lợi hoàn thành phát huy tích cực nhất là cao tốc Bắc – Nam đoạn qua tỉnh đưa vào hoạt động, thúc đẩy các ngành còn dư địa tăng trưởng như năng lượng, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp… và thị trường bất động sản.
Địa phương cũng đã có những cải thiện mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh, các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách năng lượng, đất đai, đầu tư, tín dụng, bất động sản… dần được tháo gỡ sẽ hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp trong đầu tư và sản xuất kinh doanh.
Ông Lê Phạm Quốc Vinh cho biết, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã có chỉ đạo triển khai có hiệu quả Đề án phát triển kinh tế đô thị, xây dựng Phan Rang - Tháp Chàm thành TP thông minh; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các Đồ án quy hoạch xây dựng.
Đồng thời, hoàn tất thủ tục đầu tư Khu đô thị mới Tây Bắc, Khu đô thị mới bờ Bắc sông Dinh và kêu gọi các dự án khu đô thị mới 2 bên bờ sông Dinh tạo không gian phát triển mới cho TP Phan Rang – Tháp Chàm.
Cùng với đó là phát triển mạnh thị trường bất động sản gắn với tăng cường công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng; thực hiện tốt chính sách nhà ở xã hội. Phấn đấu giá trị gia tăng ngành xây dựng đạt 23-24%... Đây sẽ là tiền đề để thị trường bất động sản Ninh Thuận khởi sắc trong thời gian tới” – ông Lê Phạm Quốc Vinh cho biết.