Ngày 13/10, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức họp báo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2023.
Ông Hồ Sĩ Sơn - Chánh Văn phòng UBND tỉnh chủ trì buổi họp báo cho biết, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có chuyển biến tích cực, tăng trưởng khá trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Cụ thể, GRDP tăng 8,67% xếp thứ 9 cả nước và thứ 3 các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.
Cùng với đó các lĩnh vực xây dựng, thương mại, du lịch, năng lượng, công nghiệp khai khoáng tiếp tục phục hồi và tăng trưởng khá. Các dự án trọng điểm, động lực được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ.
Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được đẩy mạnh, có đổi mới; quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường được tăng cường, giá đất, điều chỉnh giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất ở một số dự án được tập trung tháo gỡ; môi trường đầu tư được cải thiện rõ nét; cải cách hành chính hiệu quả hơn; chuyển đổi số bước đầu đạt kết quả tích cực...
Cùng với kết quả đạt được, ông Hồ Sĩ Sơn cho biết, Ninh Thuận vẫn còn một số khó khăn hạn chế. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy đạt khá nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra; công nghiệp chế biến chế tạo, thuế sản phẩm tăng trưởng thấp; thu ngân sách giảm nhất là nguồn thu từ đất đai thấp; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nhất là vốn sự nghiệp các CTMTQG; xuất khẩu thủy sản còn khó khăn, giảm mạnh.
Ngoài ra, các điểm nghẽn trong chính sách năng lượng, đầu tư, đất đai... chậm tháo gỡ; tiến độ một số dự án về đô thị, du lịch còn chậm; đấu giá tài sản công chậm; hoạt động doanh nghiệp nhìn chung còn rất khó khăn; lao động mất việc làm tăng 8%...
Theo ông Hồ Sĩ Sơn, trong thời gian tới, Ninh Thuận tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đồ án quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia Ninh Chữ; Quy hoạch phân khu đồ án quy hoạch chung xây dựng khu du lịch ven biển phía Nam.
Triển khai các chương trình, đề án về phát triển nhà ở, đô thị, khu dân cư; đầy nhanh tiến độ các khu đô thị đang triển khai và hoàn tất thủ tục để khởi công một số khu đô thị mới, nhà ở xã hội.
Đối với các ngành thương mại - dịch vụ tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, tận dụng cơ hội, dư địa tăng trưởng các ngành dịch vụ du lịch gắn với đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, nhất là các ngành: du lịch, thương mại, dịch vụ, logistics...
Đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch trọng điểm, tăng cường hợp tác xúc tiến, quảng bá và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch... Về đầu tư kết cấu hạ tầng, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án động lực và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khẩn trương hoàn tất thủ tục để tổ chức đấu thầu dự án điện khí LNG Cà Ná.
Đồng thời, địa phương trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư khu công nghiệp Cà Ná; đẩy nhanh tiến độ Bến IB – Cảng tổng hợp Cà Ná, thủy điện tích năng Bác Ái, hoàn thiện hạ tầng và nâng tỷ lệ lấp đầy các KCN Du long, Phước Nam và CCN Quảng Sơn. Tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư CCN Hiếu Thiện, hoàn tất các thủ tục kêu gọi đầu tư hạ tầng CCN Phước Minh 1 và Phước Minh 2.
Triển khai hoàn thành lập quy hoạch chi tiết và đề án xã hội hóa khai thác cảng hàng không Thành Sơn; hoàn thành các thủ tục để kêu gọi đầu tư cảng tổng hợp Cà Ná (giai đoạn 2).
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ dự án đường giao thông nối cao tốc Bắc Nam với Quốc lộ 1 và cảng tổng hợp Cà Ná. Tập trung hoàn tất thủ tục đầu tư các dự án lớn: Tổ hợp xanh hóa chất sau muối, thủy điện tích năng Phước Hòa, các dự án năng lượng đã có trong Quy hoạch điện VIII....
Đặc biệt Ninh Thuận hướng đến việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tiếp nhận, xem xét, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh...
Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, nhất là các KCN, CCN và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; rà soát tiến độ thực hiện các dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý một số dự án chậm tiến độ, nhất là các dự án du lịch, nông nghiệp công nghệ cao.
Đặc biệt, Ninh Thuận tập trung hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm của người đứng đầu từng chủ đầu tư, các cơ quan, đơn vị, phấn đấu đến cuối năm 2023 giải ngân đạt 100% kế hoạch được giao, nhất là các các dự án trọng điểm.