70 năm giải phóng Thủ đô

Nợ công giảm - thêm dư địa cho đầu tư phát triển

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bức tranh nợ công của Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt. So với 5 năm trước, tỷ lệ nợ công của Việt Nam vượt trần trên 61,4% thì tỷ lệ nợ công năm 2021 giảm xuống còn 43,1%/GDP...

Nợ công được ví như một đòn bẩy, nếu vận dụng tốt thì sẽ có lợi cho việc thúc đẩy nền kinh tế đất nước.

Nợ công giảm nhờ GDP tăng, cơ cấu lại khoản vay và chênh lệch tỷ giá

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, mức nợ công năm 2017 tương đương 61,4% GDP, năm 2018 là 58,3% GDP, năm 2019 còn 55%, năm 2020 là 55,9% và đến năm 2021 tương đương 43,1% GDP. Số nợ công của Việt Nam cũng thấp hơn khá nhiều so với mức trần nợ công 60% GDP mà Quốc hội cho phép.

Nợ công giảm do GDP của Việt Nam tăng trưởng. Ảnh: Việt Linh
Nợ công giảm do GDP của Việt Nam tăng trưởng. Ảnh: Việt Linh

Với quy mô GDP năm 2021 đạt 368 tỷ USD, số nợ công tuyệt đối/GDP của Việt Nam ước đạt khoảng 158,6 tỷ USD. So với số dân tính đến hết ngày 31/12/2021 vào khoảng 98,5 triệu người, số nợ công/người dân Việt Nam là khoảng 37 triệu đồng, đây là mức tương đương năm 2020. Nhưng so với dự kiến nợ công tăng lên khoảng 40 triệu đồng/người trước đó thì kết quả này là điều đáng mừng.

Nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương cũng đang giảm. Cụ thể, nợ Chính phủ/GDP giảm mạnh qua các năm từ 51,7%/GDP (năm 2017) xuống 39,1%/GDP (năm 2021); nợ Chính phủ giảm từ 51,7% GDP năm 2017 xuống còn 39,1% GDP năm 2021, tương đương gần 144 tỷ USD.

Nợ Chính phủ bảo lãnh của DN, tổ chức thuộc Chính phủ giảm từ 9,1%/GDP (năm 2017) xuống 3,8%/GDP (năm 2021), tức gần 14 tỷ USD. Nợ chính quyền địa phương giảm từ 1,1% GDP năm 2017 xuống còn 0,6% năm 2021. Còn nợ nước ngoài của quốc gia giảm từ 49% GDP năm 2017 xuống còn 38,4% năm 2021.

Theo các chuyên gia kinh tế, tỷ lệ nợ công/GDP giảm là do quy mô GDP của Việt Nam tăng nhanh trong thời gian gần đây, trong 5 năm 2017 - 2021, GDP tăng 1,6 lần, tăng 114 tỷ USD. Trong khi đó, số nợ công tuyệt đối tăng thêm 21,2 tỷ USD, khoảng 1,1 lần, không nhiều so với số tăng GDP, chính vì vậy đã khiến tỷ lệ nợ công/GDP giảm.

Ngoài ra, Việt Nam đã từng bước cơ cấu nợ vay theo hướng bền vững, đó là tăng vay trong nước nhiều hơn và kéo dài kỳ hạn vay hơn. Theo Bộ Tài chính, tỷ trọng vay nước ngoài chiếm hơn 61% dư nợ Chính phủ năm 2011, nhưng tới năm 2019 thì tỷ trọng vay trong nước lên tới 62,3% tổng dư nợ của Chính phủ.

Các khoản vay trong nước của Chính phủ có xu hướng tăng nhanh và chiếm vai trò chủ đạo, nợ nước ngoài giảm dần. Từ đó, giúp làm giảm rủi ro về tỷ giá, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia.

Với kỳ hạn vay, nếu như phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước bình quân giai đoạn 2012 - 2015 kỳ hạn khoảng trên 4 năm, thì từ đầu năm đến nay bình quân là 13,44 năm, đã phát hành được trái phiếu kỳ hạn 20 - 30 năm. Ngoài ra, lãi suất vay đã giảm sâu, từ mức 12 - 13% một năm trong giai đoạn 2011 - 2013 xuống mức 4,51% trong bình quân 12 tháng đầu năm 2019.

Những yếu tố này, theo Bộ Tài chính đã giúp áp lực vay đảo nợ giảm mạnh.
Số liệu của Bộ Tài chính cũng cho thấy, tính đến hết năm 2021, những đối tác đa phương cho Việt Nam vay nhiều nhất là Ngân hàng Thế giới (WB) với 380.000 tỷ đồng; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hơn 188.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các chủ nợ song phương của Việt Nam đang là Nhật Bản cho vay hơn 316.000 tỷ đồng; Hàn Quốc hơn 32.000 tỷ đồng, Pháp hơn 30.000 tỷ đồng; Đức hơn 14.349 tỷ đồng…

Bộ Tài chính tính toán dư nợ bằng USD là 455.000 tỷ đồng, chiếm 13,9%; dư nợ bằng yen Nhật là 346.000 tỷ đồng, chiếm 10,5%; dư nợ bằng euro là 179.000 tỷ đồng, chiếm 5,5% và còn lại là dư nợ bằng các loại tiền khác chiếm 4%.

Căn cứ theo tỷ giá bán của NHNN, từ đầu năm đến ngày 1/8, đồng USD tăng 1,1% so với đầu năm 2022 và điều này ước làm tăng dư nợ Chính phủ khoảng 5.000 tỷ đồng (so với cuối năm 2021). Nhưng ngược lại, giá 1 euro giảm 9,5% so với đầu năm 2022 làm giảm dư nợ Chính phủ khoảng 17.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021. Tương tự, yen Nhật giảm 13% so với đầu năm 2022 cũng góp phần làm giảm dư nợ Chính phủ khoảng 45.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021.

Như vậy, theo Bộ Tài chính, chỉ tính riêng biến động tỷ giá của 3 loại tiền tệ chính (USD, yen Nhật và euro), dư nợ Chính phủ tính đến cuối năm 2022 ước giảm khoảng 57.000 tỷ đồng, giảm 2% so với dư nợ cuối 2021.

Đảm bảo an toàn nợ công bền vững

Theo Quyết định số 460/QĐ-TTg ngày 14/4/2022, Chính phủ phê duyệt Chiến lược nợ công đến năm 2030, trong đó, dự kiến đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, phấn đấu bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2030 khoảng 3% GDP…

Để đảm bảo quản lý nợ công, TS Trần Du Lịch cho rằng, cần phải cân đối các nguồn thu chi, cũng như kế hoạch huy động vốn trong những năm tới. Đặc biệt phải đảm bảo các khoản nợ đến hạn phải trả đúng hạn như cân đối thanh khoản, bố trí nguồn lực ngân sách để trả nợ (chủ yếu là nợ trái phiếu)…

Bên cạnh đó, cũng tính toán đến khoản nợ Chính phủ bảo lãnh mà chủ yếu là các tập đoàn nhà nước lớn. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên quá trình sử dụng các khoản vay nợ, các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh, nhất là tại các đơn vị sử dụng trực tiếp vốn vay như tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.

TS Trần Du Lịch cũng lưu ý, nhược điểm thời gian qua là giải ngân các gói hỗ trợ, giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ còn chậm. Những công trình và dự án đắp chiếu, đội vốn sẽ giảm hiệu quả đầu tư. Do đó, cần tiếp tục tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; bảo đảm công khai, minh bạch. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, công khai minh bạch về nợ công.

Hệ số suất đầu tư (ICOR) cần phải được kéo giảm để tăng hiệu quả của vốn đầu tư công. Về dài hạn, vốn ngân sách để đầu tư công cũng chỉ là vốn mồi và phải làm thế nào để tập trung huy động vốn ngoài xã hội tham gia vào nhiều dự án để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tiếp tục chú ý đến danh mục nợ nước ngoài với những đồng tiền có biến động lớn trong thời gian vừa qua. Theo TS. Cấn Văn Lực, Việt Nam năm 2021 Việt Nam chưa chịu tác động nhiều do mức tăng lãi suất của Fed không lớn. Tuy nhiên, từ quý IV/2022, việc Fed tăng lãi suất sẽ có những tác động rõ nét hơn đến kinh tế Việt Nam.

Trong đó, USD lên giá sẽ tạo sức ép lên tỷ giá USD/VND, điều này kéo theo chi phí vay vốn mới và nghĩa vụ trả nợ bằng đồng USD tăng. NHNN cần tiếp tục điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối chủ động, linh hoạt nhằm ổn định tỷ giá, góp phần kiểm soát lạm phát và hỗ trợ DN, thúc đẩy tăng trưởng.

 

"Tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách và công cụ quản lý nợ; tổ chức thực hiện các công cụ, biện pháp quản lý nợ hiện đại; thực hiện huy động, quản lý và sử dụng nợ hiệu quả; phát triển thị trường tài chính, thị trường vốn trong nước; quản lý nghĩa vụ nợ dự phòng; tổ chức bộ máy, ứng dụng công nghệ thông tin; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và minh bạch hóa thông tin." - TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

"Đảm bảo khả năng trả nợ, an toàn nợ công và an toàn tài chính quốc gia... là vị thế mà một quốc gia hướng đến với nhiều mục tiêu, bao gồm hút vốn đầu tư tốt hơn, được nhà đầu tư tin tưởng hơn trong trung hạn. Đó cũng là nền tảng cho sự phát triển lâu dài, nuôi dưỡng tiếp các cơ hội tăng trưởng dài hạn." - Bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới