Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗ lực quốc tế bảo vệ vận tải Biển Đỏ

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông báo mới nhất từ Lầu Năm Góc, hơn 20 quốc gia đã tham gia liên minh do Mỹ dẫn đầu để bảo vệ vận tải Biển Đỏ khỏi các cuộc tấn công của phiến quân Houthi ở Yemen.

Các tàu của lực lượng Houthi vây bắt một tàu chở hàng trên Biển Đỏ vào ngày 20/11/2023. Ảnh: Reuters
Các tàu của lực lượng Houthi vây bắt một tàu chở hàng trên Biển Đỏ vào ngày 20/11/2023. Ảnh: Reuters

Mỹ đầu tuần qua đã công bố thành lập liên minh đa quốc gia Biển Đỏ. Theo Lầu Năm Góc, các lực lượng liên minh sẽ đóng vai trò như "một đội tuần tra đường cao tốc", có nhiệm vụ đảm bảo an ninh ở khu vực Biển Đỏ và Vịnh Aden. 

Nhiệm vụ của liên minh sẽ bao gồm ứng phó và hỗ trợ khi cần thiết cho các tàu thương mại đang đi qua tuyến đường thủy quốc tế quan trọng trước các cuộc tấn công của Houthi.

Lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn đã nhiều lần nhắm mục tiêu vào các tàu thuyền trên tuyến đường vận chuyển quan trọng bằng các cuộc tấn công, mà họ cho là để hỗ trợ người Palestine ở Gaza - nơi Israel đang chiến đấu với nhóm chiến binh Hamas.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Pat Ryder nói với báo giới: "Hiện chúng tôi đã có hơn 20 quốc gia đăng ký tham gia liên minh". Ông Ryder cáo buộc Houthi đang tấn công nguồn thu lợi kinh tế và thịnh vượng của nhiều quốc gia trên thế giới", trở thành "những tên cướp dọc đường quốc tế Biển Đỏ".

Với lời thề tiêu diệt Hamas, Israel đã bắt đầu ném bom không ngừng vào nhiều mục tiêu ở Gaza, kết hợp với một cuộc tấn công trên bộ, khiến ít nhất 20.000 người thiệt mạng - theo thông báo từ chính quyền Hamas ở Gaza. Những con số tang thương này đã gây ra sự phẫn nộ lan rộng ở Trung Đông, càng tạo động lực cho các cuộc tấn công của nhiều nhóm vũ trang trong khu vực, bao gồm của Houthi nhắm vào tàu bè trên Biển Đỏ.

Hai ngày sau thông báo thành lập liên minh bảo vệ của Mỹ, lực lượng Houthi đã cảnh báo rằng họ sẽ đáp trả nếu bị tấn công. Ngày 23/12, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã làm hư hại một con tàu ngoài khơi Ấn Độ nhưng không gây thương vong - theo Cơ quan Hoạt động Thương mại Hàng hải Vương quốc Anh (UKMTO) của quân đội Hoàng gia Anh.

Ambrey - một công ty an ninh hàng hải - cho biết con tàu bị tấn công có chở hóa chất, treo cờ Liberia và có liên kết với Israel, đang trên đường từ Ả Rập Saudi đến Ấn Độ. Vụ tấn công xảy ra cách Veraval, Ấn Độ 200 hải lý về phía Tây Nam. Hải quân Ấn Độ cho biết họ đã đáp ứng yêu cầu hỗ trợ con tàu chở hàng, với 20 thủy thủ Ấn Độ và 1 thủy thủ người Việt Nam.

Một quan chức Hải quân Ấn Độ nói với AFP: "Một chiếc máy bay đã được điều động để đảm bảo an toàn cho con tàu cũng như thủy thủ đoàn. Một tàu chiến của Hải quân Ấn Độ cũng đã được triển khai để hỗ trợ khi cần".

Hiện chưa có tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công này. Tháng trước, một tàu chở hàng thuộc sở hữu của Israel cũng đã bị tấn công bằng máy bay không người lái bị nghi là của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran ở Ấn Độ Dương - theo một quan chức Mỹ.

Số liệu thống kê từ Lầu Năm Góc cho thấy, phiến quân Houthi đã tiến hành hơn 100 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa, nhắm vào 10 tàu thương mại, liên quan đến hơn 35 quốc gia khác nhau.

Tình hình an ninh bất ổn buộc các công ty vận tải phải định tuyến lại một số tàu của họ qua Mũi Hảo Vọng, nằm ở cực Nam châu Phi, khiến thời gian vận chuyển kéo dài thêm nhiều tuần và chi phí tăng. Dòng chảy dầu cũng đang bị gián đoạn. Hiện tại, giá một thùng Brent đã tăng 3,3% trong một tuần và giao dịch ở mức 79 USD.

Trước đó, việc kênh đào Suez bị tắc nghẽn kéo dài 6 ngày hồi năm 2021 đã làm nổi bật tầm quan trọng của các tuyến đường vận tải chính. Khi tàu container Ever Given mắc cạn trên đường thủy vào tháng 3 năm đó, các chuyến hàng tiêu dùng từ châu Á đến châu Âu và Bắc Mỹ đã bị trì hoãn, làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.