Theo đó, để "đóng cửa" Bangkok từ ngày 13/1, lực lượng này sẽ thiết lập phạm vi biểu tình xung quanh thủ đô, ngăn cản các quan chức Chính phủ tới công sở, đồng thời cắt nguồn cung điện, nước cho các cơ quan Chính phủ cũng như các tư dinh của Thủ tướng Yingluck và thành viên nội các.
Giữa lúc kế hoạch phong tỏa Bangkok đang từng bước được triển khai, các chuyên gia đã cảnh báo rằng nếu phe biểu tình chống Chính phủ thực thi hành động "phong tỏa Bangkok" sẽ gây thiệt hại kinh tế lên tới 200 tỷ baht. Hiện, hãng hàng không Singapore (SIA) vừa cho biết họ sẽ cho hủy 19 chuyến bay tới Bangkok vào cuối tháng này do nhu cầu đi lại của hành khách giảm sút, nhiều hãng du lịch khác cũng lên kế hoạch dừng các tour tới Thái Lan. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, Thái Lan có nguy cơ mất đi thương hiệu là thiên đường du lịch Đông Nam Á.
Để đối phó với nguy cơ trên, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ tạm quyền Surapong Tovichakchaikul đã kêu gọi người dân không tham gia các cuộc biểu tình chống Chính phủ và khẳng định việc này sẽ gây khó khăn cho công dân và doanh nghiệp, cũng sẽ phá hoại nghiêm trọng cho kinh tế Thái Lan. Đặc biệt, ông Surapong còn nhấn mạnh, hành động "phong tỏa Bangkok" là phi pháp, và Chính phủ tạm quyền sẽ áp dụng hành động pháp lý đối với thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ vi phạm pháp luật.
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên chính trường Thái Lan rơi vào hỗn loạn kể từ sau biến cố quân đội lật đổ chính quyền của ông Thaksin hồi tháng 9/2006 đến nay. Chỉ có điều, trái với những lần trước, người dân Bangkok nói riêng và Thái Lan nói chung đã quá chán ngán với các "chiêu trò trên đường phố" của phe biểu tình. Theo kết quả thăm dò dư luận do Trung tâm nghiên cứu Dusit của Thái Lan về cuộc biểu tình vào ngày 13/1 cho thấy, 54,09% số người dân Thái Lan được hỏi đã bày tỏ lo ngại về cuộc biểu tình này, vì có thể xảy ra bạo lực nghiêm trọng, tác động tiêu cực tới nền kinh tế Thái Lan và gây khó khăn cho sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt, có 73,52% ý kiến cho rằng, cuộc biểu tình lớn này có thể làm cho bất ổn lan rộng, vì có đông người tham gia biểu tình sẽ dễ xảy ra đụng độ bạo lực. Khoảng gần 42% số người được hỏi yêu cầu biểu tình diễn ra hòa bình, không sử dụng bạo lực và không gây phiền nhiễu cho người khác.
Với những con số này, các chuyên gia nhận định, dù canh bạc trên chính trường Thái Lan vẫn chưa ngã ngũ nhưng Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra chắc chắn vẫn nhận được nhiều sự ủng hộ hơn. Trong khi đó, nếu phe đối lập không biết cách tiết giảm "các chiêu trò trên đường phố", việc họ bị trừng phạt bởi Chính phủ mới và bởi chính nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp - những nạn nhân lớn nhất của cuộc khủng hoảng chinh trị hiện nay sẽ chỉ còn là vấn đề về thời gian.
Bà Yingluck và những người ủng hộ. Ảnh: AFP
|