Đây được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm xóa bỏ cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường vận tải khách.
Vài năm qua, loại hình xe khách mini dưới 10 chỗ ngồi, thường được gọi là xe limousine phát triển nở rộ, gây rất nhiều hệ luỵ cho trật tự, ATGT và thị trường vận tải khách trên cả nước. Những chiếc xe limousine này ban đầu phần lớn được hoán cải từ xe chở khách 16 chỗ hết niên hạn sử dụng xuống còn 10 chỗ.
Núp bóng chạy hợp đồng, xe limousine trở thành xe khách trá hình với tốc độ phát triển chóng mặt. Do lợi thế đầu tư nhỏ, chi phí ít, lại dễ luồn lách vào tận những ngõ ngách đô thị, xe khách trá hình đã thực sự đánh bật xe khách tuyến cố định ra khỏi nhiều cung đường ngắn, gây nên sự sụp đổ có hệ thống đối với các bến xe, các DN kinh doanh vận tải khách làm ăn chân chính.
Sự xuất hiện của xe khách trá hình còn góp phần rất lớn gây ùn tắc giao thông trong các đô thị. Lực lượng chức năng hầu như đã bó tay, xe limousine tung hoành khắp hang cùng ngõ hẻm, ngày càng có nhiều biện pháp chống đối sự kiểm tra, xử phạt, lách luật với những thủ đoạn tinh vi.
Trong bối cảnh đó, việc cấm xe hoán cải xuống dưới 10 chỗ vận chuyển khách là biện pháp rất cần thiết, được kỳ vọng có thể hạn chế phần lớn xe khách trá hình, giảm thiểu ùn tắc giao thông và đem lại sinh khí mới cho thị trường vận tải khách. Tuy nhiên, hiệu quả nó mang lại đến mức nào còn cần thực tế chứng minh.
Muốn chính sách đúng đắn phát huy hiệu quả, trước tiên lực lượng chức năng cần làm tốt khâu hậu kiểm, phát hiện, xử phạt nghiêm khắc vi phạm đối với xe hoán cải dưới 10 chỗ chở khách. Chỉ có kiên quyết duy trì luật lệ, không nhượng bộ vi phạm mới có thể nhanh chóng quét sạch xe khách mini ra khỏi đô thị, đảm bảo an toàn cho người dân, góp phần cứu vãn thị trường vận tải khách.
Mặt khác, nhiều DN vận tải lợi dụng điểm yếu của luật, tận dụng xe hoán cải để chạy chui từ lâu, đã tích lũy được không ít vốn liếng. Hiện, nhiều DN đã chuyển hẳn sang sử dụng xe limousine đóng mới dưới 10 chỗ chứ không dùng xe hoán cải. Như vậy thị trường vận tải vẫn khó có thể trở lại cân bằng nếu chỉ trông chờ vào giải pháp này. Nói cách khác, một loại hình vận tải mới cần những thay đổi trong công tác quản lý.
Ngoài ra, còn có một vấn đề cũng rất cần lời giải, là sau khi không được chở khách, những chiếc xe hoán cải này sẽ ra sao? Lại được hoán cải một lần nữa thành xe chở hàng hay sẽ dạt về các vùng nông thôn, miền núi chạy chui? Nếu hoán cải lần nữa, liệu có đảm bảo an toàn kỹ thuật và không gây ô nhiễm môi trường do phát thải...?
Muốn kiểm soát chặt chẽ hơn, Bộ GTVT cần tham mưu cho Chính phủ, đưa ra niên hạn nhất định cho từng loại hình xe hoán cải, sau khi thay đổi kết cấu công năng, sẽ an toàn trong bao lâu, khi nào phải loại bỏ? Các địa phương cũng không thể bỏ quên hay cố tình làm ngơ cho xe hoán cải dưới 10 chỗ tiếp tục chở khách, để rồi khi xảy ra tai nạn giao thông, gây thương vong cho người dân mới lại đi rà soát.