Nới rộng biên độ thả nổi của đồng rúp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để duy trì sự ổn định tiền tệ CBR đã đặt ra biên độ thả nổi cho đồng rúp so với rổ tiền tệ.

KTĐT - Để duy trì sự ổn định tiền tệ CBR đã đặt ra biên độ thả nổi cho đồng rúp so với rổ tiền tệ. Khi tỷ giá của đồng rúp tiệm cận giới hạn trên hoặc giới hạn dưới của biên độ, CBR sẽ bán ra hoặc mua vào ngoại tệ.

Ngày 13/10, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã nới rộng biên độ thả nổi của đồng rúp và xóa bỏ biên độ cố định của đồng tiền này.

Động thái này được coi là bước đi tiếp theo hướng tới một đồng rúp thả nổi hoàn toàn và tạo ra sự linh hoạt lớn hơn trong cơ chế tỷ giá giữa lúc sự hỗn loạn trên thị trường tiền tệ thế giới đang gia tăng.

CBR đã nới rộng biên độ thả nổi mà đồng rúp trao đổi với rổ ngoại tệ gồm đồng euro và đồng USD từ 3 rúp lên 4 rúp. Quyết định đó sẽ giúp gia tăng sự linh hoạt của tỷ giá và giảm bớt sự can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại tệ của CBR.

Phó Chủ tịch Alexei Ulyukayev khẳng định cơ chế tỷ giá từ ngày 13/10 sẽ trở nên linh hoạt hơn. Nó tạo ra biên độ dao động khá lớn của tỷ giá đồng rúp.

Với lần điều chỉnh mới nhất này số tiền tối đa mà CBR được phép sử dụng để can thiệp vào thị trường ngoại hối được hạ từ 700 triệu USD xuống còn 650 triệu USD.

CBR cũng xóa bỏ biên độ cố định 26-41 rúp mà đồng rúp được phép giao dịch trong rổ tiền tệ gồm 45% đồng euro và 55% đồng USD.

Ngay sau khi CBR thông báo sự thay đổi cơ chế tỷ giá, đồng rúp trên thị trường đã xuống giá từ mức 35,33 rúp/USD xuống còn 35,5 rúp/USD, trong khi tỷ giá chính thức là 35,49 rúp/USD.

Để duy trì sự ổn định tiền tệ CBR đã đặt ra biên độ thả nổi cho đồng rúp so với rổ tiền tệ. Khi tỷ giá của đồng rúp tiệm cận giới hạn trên hoặc giới hạn dưới của biên độ, CBR sẽ bán ra hoặc mua vào ngoại tệ.

Lần gần đây nhất mà CBR điều chỉnh biên độ thả nổi là hôm 10/7 với biên độ được nâng từ 2 rúp lên 3 rúp.

Ông Ulyukayev cho biết thêm có khả năng trong tương lai Nga sẽ chuyển từ biên độ thả nổi sang chính sách mục tiêu lạm phát hoặc can thiệp một lần để kiểm soát đồng rúp.

Tuy nhiên, ông Ulyukayev khẳng định Nga, nước xuất khẩu năng lượng và nguyên liệu thô chủ chốt thế giới, không tham gia "cuộc chiến tiền tệ" đang hiện ra lờ mờ khi các nước đua nhau hạ giá đồng nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu.

Giá trị của đồng rúp là mối quan ngại chủ chốt của Chính phủ Nga ngay từ khi nổ ra khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 do đồng nội tệ sụt xuống mức thấp đã khơi lại "bóng ma" của cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 tại Nga.

Kinh tế Nga phục hồi trở lại vào cuối năm 2009, nhưng trong những tháng gần đây đang chịu sức ép do giới đầu cơ thao túng thị trường tiền tệ./.