Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi:

Nông dân làm du lịch “xanh”

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Vượt qua bỡ ngỡ thuở ban đầu, người nông dân đã nhanh chóng bắt nhịp và trở thành hướng dẫn viên nhiệt tình của các mô hình du lịch cộng đồng.

Quảng bá rừng dừa nước

Với phong trào du lịch cộng đồng lan rộng, ông Phạm Văn Hiền (63 tuổi, thôn Trường Định, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) trở nên bận rộn hơn vì phải dành nhiều thời gian chèo thuyền, dẫn khách đi tham quan rừng dừa nước Tịnh Khê.

Du khách tham quan rừng dừa nước Tịnh Khê (ảnh Hà Phương).
Du khách tham quan rừng dừa nước Tịnh Khê (ảnh Hà Phương).

“Mỗi lần đưa khách đi, tôi vừa chèo vừa giới thiệu về lịch sử rừng dừa nước. Rừng dừa này nhiều tôm cá, nuôi sống nhiều thế hệ người dân. Trong thời chiến, rừng lại che chở, nuôi dưỡng bộ đội”, ông Hiền nói.

Từ người nông dân chỉ biết đến cá tôm, sông nước, ông Hiền trở thành "hướng dẫn viên" và kiếm thêm khoản thu nhập từ mô hình du lịch cộng đồng.

“Nhờ rừng dừa nước, người dân không lo thiếu ăn, còn có thể hái lá dừa về chằm thành tấm để bán. Bây giờ địa phương có chủ trương phát triển du lịch, bà con có thêm tiền để trang trải nên mừng lắm”, ông Hiền nói.

Với diện tích hơn 9ha, rừng dừa nước Tịnh Khê, xã Tịnh Khê được hình thành từ cách đây hơn 100 năm, được xem là “lá phổi xanh” của khu Đông huyện Sơn Tịnh (nay là TP Quảng Ngãi).

Thời chống Pháp và những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rừng dừa nước này lại như "đám lá tối trời" của nghĩa quân Trương Định tại ven biển Gò Công, là an toàn khu của cách mạng ở miền đông Sơn Tịnh, địa bàn bất khả xâm phạm của quân và dân xã Tịnh Khê.

Tận dụng lợi thế địa phương

Vài năm trở đây, mô hình du lịch cộng đồng “bén duyên” với rừng dừa nước, được người dân địa phương nhiệt tình ủng hộ. Năm 2021, HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mỹ Khê thành lập nhưng lại bị gián đoạn bởi ảnh hưởng dịch Covid-19. Đầu năm 2023, HTX chính thức đi vào hoạt động, trở thành nơi gắn kết, chung sức, đồng lòng cùng người dân làm du lịch.

Hiện, HTX có 17 thành viên và tiếp tục vận động người dân có rừng dừa nước cùng tham gia. Người dân chèo thuyền phần lớn có độ tuổi 50, 60 tuổi, quanh năm gắn bó với rừng dừa. HTX đang thiết kế 10 homestay ngay trên rừng dừa nước làm nơi lưu trú, xây các tuyến đường nội bộ dẫn vào rừng dừa để khách đi bộ.

Đan lá dừa nước- nghề thủ công của người dân Tịnh Khê (ảnh Hà Phương).
Đan lá dừa nước- nghề thủ công của người dân Tịnh Khê (ảnh Hà Phương).

Những ngày cuối tuần, khách du lịch trong và ngoài tỉnh nườm nượp tìm về rừng dừa nước Tịnh Khê để trải nghiệm chèo thuyền băng qua các con lạch, thưởng thức trái dừa nước và cùng người dân làm nghề thủ công.

Tận dụng lợi thế về trồng cây ăn quả của quê hương, anh Nguyễn Văn Triều (39 tuổi, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành) lại đang phát triển mô hình trồng trái cây sạch kết hợp phát triển du lịch sinh thái vườn. 

Vườn cây ăn trái của anh có đa dạng các loại cây ăn quả, từ vú sữa hoàng kim, sầu riêng đến, cam, quýt, mít thái.... Trước đây, việc tiêu thụ chủ yếu thông qua thương lái, nhưng từ khi tham gia liên kết cùng HTX Nông nghiệp-Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành (xã Hành Nhân), ngoài tiền bán trái cây, anh Triều còn có thêm thu nhập từ những đoàn khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. 

“Những hộ nông dân trồng cây ăn quả kết nối với nhau cùng cho du khách đi tham quan, thưởng thức các loại trái cây. Đây được xem là kênh kết nối làm du lịch, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trái cây của địa phương. Hiện tại, vườn trái cây ở xã Hành Nhân chúng tôi được khá nhiều du khách biết đến”, anh Triều chia sẻ.

Du khách "nhí" tham quan vườn trái cây ở Bình Thành và thưởng thức trái cây (Ảnh Hà Phương).
Du khách "nhí" tham quan vườn trái cây ở Bình Thành và thưởng thức trái cây (Ảnh Hà Phương).

Giám đốc HTX Nông nghiệp-Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành Đoàn Phú Việt Nam cho biết: “HTX có 15 thành viên và liên kết với 200 hộ dân trong thôn làm du lịch cộng đồng. Cao điểm mùa du lịch, bình quân những hộ tham gia làm du lịch thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng”.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương, toàn tỉnh hiện có 5 HTX nông nghiệp tham gia vào du lịch nông thôn. Việc phát triển kinh tế thông qua du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới sẽ là xu thế tất yếu trong thời gian tới.

Du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới được xác định là xu thế tất yếu trong thời gian tới. (ảnh Thanh Ngọc)
Du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới được xác định là xu thế tất yếu trong thời gian tới. (ảnh Thanh Ngọc)

"Năm 2022, HĐND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Nghị quyết số 26 quy định một số nội dung, mức chi, hỗ trợ kinh phí sự nghiệp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có nội dung hỗ trợ du lịch nông thôn với mức hỗ trợ lên đến 70% kinh phí nhưng không quá 3 tỷ đồng/huyện miền núi; 50% kinh phí nhưng không quá 3 tỷ đồng/huyện còn lại. Đây chính là trợ lực để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn", ông Phương thông tin.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT, đơn vị cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng các sở, ngành có liên quan triển khai hiệu quả chương trình phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh.