Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nóng: Lộ "hồ sơ Pandora" bao gồm dữ liệu tài chính hàng trăm chính khách, tỷ phú

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hồ sơ Pandora gồm hàng triệu tài liệu tiết lộ các giao dịch và tài sản ra nước ngoài của hơn 100 tỷ phú, 30 nhà lãnh đạo thế giới và 300 quan chức nhà nước.

Các giao dịch bí mật và tài sản ẩn của một số người giàu nhất và quyền lực nhất thế giới đã được tiết lộ trong vụ phơi bày dữ liệu lớn nhất lịch sử gồm 2,94 TB dữ liệu ngày 4/10.
Những tài liệu này được gọi là Pandora, bao gồm 11,9 triệu tệp từ các công ty được những khách hàng giàu có thuê để tạo ra các cấu trúc và quỹ tín thác ngoại biên ở các "thiên đường thuế" như Panama, Dubai, Monaco, Thụy Sĩ và quần đảo Cayman.
 Hồ sơ Pandora bao gồm thông tin tài chính của nhiều chính sách, người nổi tiếng. Ảnh: RT
Theo The Guardian, hồ sơ Pandora phơi bày những hoạt động ngoại biên của 35 nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả tổng thống, thủ tướng và nguyên thủ quốc gia đương nhiệm và cựu lãnh đạo. Hồ sơ Pandora cũng làm sáng tỏ nguồn tài chính bí mật của hơn 300 quan chức nhà nước khác như các bộ trưởng, thẩm phán, thị trưởng và tướng lĩnh quân đội ở hơn 90 quốc gia.

Toàn bộ dữ liệu trong hồ sơ Pandora đã được tiết lộ cho Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) ở Washington. Cuộc điều tra hồ sơ này có sự tham gia của khoảng 600 nhà báo từ hàng chục hãng truyền thông như The Washington Post của Mỹ và The Guardian của Anh.

Cụ thể, điều tra cho thấy mối liên hệ giữa gần 1.000 công ty ở các “thiên đường nước ngoài” với 336 chính trị gia và quan chức cấp cao. Hơn 2/3 trong số các công ty được thành lập tại Quần đảo Virgin thuộc Anh.
Dữ liệu trong vụ phơi bày bí mật tài chính của giới nhà giàu và chính khách mới nhất cũng bao gồm hơn 100 tỷ phú, những người nổi tiếng, ngôi sao ca nhạc và các nhà lãnh đạo DN. Nhiều người sử dụng các công ty vỏ bọc để sở hữu các mặt hàng xa xỉ như tài sản và du thuyền, cũng như các tài khoản ngân hàng ẩn danh. Thậm chí còn có cả việc sở hữu các tác phẩm có giá trị nghệ thuật như cổ vật bị đánh cắp từ Campuchia đến các bức họa của Picasso và tranh tường của Banksy.
Theo AFP, ICIJ nhấn mạnh, ở hầu hết các quốc gia, việc có tài sản ở nước ngoài hoặc sử dụng các công ty bình phong để kinh doanh xuyên biên giới không phải bất hợp pháp.
Tuy nhiên, những tiết lộ như "Hồ sơ Pandora" sẽ gây không ít khó xử cho các nhà lãnh đạo, những người có thể đã công khai vận động chống tham nhũng hoặc ủng hộ các biện pháp thắt lưng buộc bụng ở quê nhà.
Phản ứng về "Hồ sơ Pandora", trong một loạt tweet trên Twitter, Thủ tướng Pakistan Imran Khan tuyên bố sẽ điều tra tất cả các công dân nước này có liên quan hồ sơ này” và cho biết, "nếu có bất kỳ hành vi sai trái nào được xác định, chúng tôi sẽ có hành động thích hợp".
Nhà lãnh đạo Pakistan khẳng định: “Chúng tôi hoan nghênh Hồ sơ Pandora phơi bày sự giàu có bất chính của giới tinh hoa, tích lũy được nhờ việc trốn thuế, tham nhũng và được rửa tiền đến các ‘thiên đường’ tài chính”.Theo "Hồ sơ Pandora", các thành viên thuộc nội các của chính quyền Thủ tướng Khan, bao gồm các bộ trưởng và gia đình của họ, được cho là bí mật sở hữu các công ty và quỹ tín thác nắm giữ hàng triệu USD.
"Hồ sơ Pandora" là vụ rò rỉ lớn nhất trong những năm gần đây so với "Hồ sơ Panama" (2016) và "Hồ sơ Paradise" (2017). Với Hồ sơ Panama được công bố năm 2016, thủ tướng Iceland lúc bấy giờ là ông Sigmundur Davíð Gunnlaugsson đã phải từ chức.