Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đồng quan điểm, nông dân cần liên kết chặt chẽ hơn bằng việc thành lập HTX và bắt tay với DN. Ngoài các kênh siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, nông dân cần lưu ý đến kênh bếp ăn tập thể như trường học, khu công nghiệp. Có như vậy, nông sản an toàn đưa ra thị trường mới cho giá trị gia tăng, tiêu thụ ổn định, giúp nông dân nâng cao thu nhập.
Quang cảnh hội thảo |
Chuỗi lúa gạo Tam Hưng là một trong những chuỗi liên kết hoạt động hiệu quả tiêu biểu của TP. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng Đỗ Văn Kiên cho hay, những năm gần đây, HTX chủ động liên kết với các DN từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, cụ thể: Liên kết với Công ty CP Giống cây trồng T.Ư, Công ty CP Gạo Bảo Minh.Sau thu hoạch, các DN đã thu mua thóc tươi cho nông dân với giá 6.000 đồng/kg.
Ngoài ra, HTX đã liên kết với một số DN như: Công ty TNHH Đông Sơn, Công ty Thái Sơn, Công ty Trần Kim, Công ty Nicotex để tiêu thụ ổn định sản phẩm lúa gạo cho nông dân.
Năm nay cũng là năm thứ 3, HTX đưa vào hoạt động hệ thống máy xay xát, đánh bóng, lọc tạp chất, tách màu để nâng cao chất lượng gạo thành. Hiện, sản phẩm gạo thơm Bối Khê sau xay xát được đóng gói có logo, nhãn hiệu sản phẩm hoặc đóng bao lớn theo yêu cầu của khách hàng, với giá bán 30.000 đồng/kg gạo Nếp cái hoa vàng và 18.000 đồng/kg gạo Bắc thơm số 7. Đáng chú ý, HTX đang cung cấp sản phẩm gạo cho các bếp ăn tập thể, trường mầm non trên địa bàn huyện.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua chuỗi giá trị của TP rất thấp, chỉ chiếm chưa đến 10%. Đáng nói, một phần lớn nông dân còn mơ hồ hoặc hiểu chưa đúng về chuỗi giá trị dẫn đến liên kết với các tác nhân khác còn lỏng lẻo, thiếu bền vững.
Thậm chí, nông dân và DN chưa tìm được tiếng nói chung để cùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro trong sản xuất, kinh doanh… Đây là những nguyên nhân khiến nông sản an toàn vẫn bí đầu ra trong thời gian qua.