Người tiêu dùng hưởng lợi
Từ đầu năm 2019 đến nay, nhiều mặt hàng nông sản từ Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam bất ngờ tăng mạnh về số lượng. Nếu như cách đây 1 - 2 năm, người tiêu dùng Việt Nam muốn ăn tôm hùm, cua hoàng đế của Mỹ phải đặt trước với giá đắt đỏ thì giờ đây sản phẩm này được rao bán tràn ngập các cửa hàng, website, mạng xã hội với số lượng bao nhiêu cũng có. Theo đó, tôm hùm Alaska hàng đông lạnh được chào bán với giá chỉ xấp xỉ 1,4 triệu đồng/combo 3 con loại 500g/con, 1 triệu đồng/1 con loại 1 - 4kg; cua hoàng đế hàng đông lạnh được nhiều cửa hàng bán với giá 650.000 đồng/kg, còn hàng sống gần 2 triệu đồng/kg.
Cùng với đó, nhiều loại trái cây nhập khẩu từ Mỹ cũng đồng loạt giảm giá. Điển hình như cherry và táo, tại các siêu thị và cửa hàng trái cây nhập khẩu đang bán cherry với giá từ 280.000 - 350.000 đồng/kg, táo từ 39.000 – 49.000 đồng/kg. Trong khi đó, cũng vào thời điểm này năm 2018, giá cherry dao động từ 400.000 - 550.000 đồng. Đáng chú ý, sản phẩm thịt gà nhập khẩu từ Mỹ có giá rẻ kỷ lục. Khảo sát thực tế tại các siêu thị lớn như: Big C, Lottte, Co.op Mart, giá đùi gà, cánh gà nhập khẩu từ Mỹ dao động từ 38.000 - 65.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá gà ta tươi sống trên thị trường hiện vào khoảng 110.000 - 150.000 đồng/kg.Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 6 tháng năm 2019, Việt Nam nhập khẩu hơn 62.300 tấn thịt gà các loại, giá trị nhập khẩu đạt hơn 48,6 triệu USD, tính ra mỗi ki lô gam thịt gà nhập Mỹ có giá siêu rẻ chỉ khoảng 19.000 - 23.000 đồng. Nhìn chung, các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Mỹ đã giảm giá khoảng 30 - 40% so với trước. Và người tiêu dùng trong nước được hưởng lợi khi có cơ hội được thưởng thức các sản phẩm nhập ngoại, trong đó có mặt hàng vốn được coi là xa xỉ.Nông sản Việt chịu sức épLý giải về nguyên nhân nông sản Mỹ giá rẻ ồ ạt nhập về Việt Nam, nhiều chuyên gia nhận định, do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng, Trung Quốc đã hủy mua nhiều mặt hàng của Mỹ để trả đũa sau khi Mỹ áp thuế 300 tỷ USD lên hàng hóa của nước này. Do đó, một số mặt hàng trước kia Mỹ xuất bán sang Trung Quốc chắc chắn sẽ đẩy sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tình trạng trên tiếp diễn đồng nghĩa với việc tạo áp lực cạnh tranh cho nông sản Việt. Thực tế cho thấy, từ trước tới nay, chất lượng các sản phẩm nông sản nhập khẩu từ các nước được đánh giá cao bởi sự đảm bảo nghiêm ngặt trong quy trình sản xuất, kiểm soát chặt chẽ lượng tồn dư các chất độc hại trong sản phẩm, đảm bảo sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. Đây là lý do vì sao dù giá thành cao, nhưng nông sản nhập khẩu vẫn chiếm lĩnh và thu hút người có thu nhập cao. Mặt khác, việc giảm giá của nông sản Mỹ đã và đang đặt ra thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp trong nước. Đơn cử như một số mặt hàng thủy sản trong nước còn đơn điệu, chưa tạo được uy tín về chất lượng với người tiêu dùng.Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, làn sóng hàng nông sản Mỹ vào Việt Nam chắc chắn sẽ gia tăng khi thị trường lớn của họ là Trung Quốc giảm tiêu thụ. Để cạnh tranh với nông sản Mỹ, hàng thủy sản và nông sản Việt Nam cần nâng cao chất lượng, sản xuất đúng tiêu chuẩn, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới nhằm gia tăng thị phần tại thị trường nội địa. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ mặt hàng nông sản Việt dễ dàng vào siêu thị và chuỗi cửa hàng bán lẻ.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2019, hàng hóa xuất xứ từ thị trường Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh 19% so với cùng kỳ năm 2018, đạt hơn 6,9 tỷ USD. Có tới 14 nhóm hàng nhập khẩu từ Mỹ đạt kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên. Trong đó, mặt hàng rau quả tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 116 triệu USD. Mặt hàng thủy sản tăng 67%, đạt gần 47 triệu USD. |