Có hiệu lực từ 4/9, luật mới của Nga sẽ khiến cho tài sản của nhà đầu tư phương Tây ở các công ty tại quốc gia này có nguy cơ bị tịch thu và chuyển giao cho các đồng sỡ hữu người Nga. Đây được xem là động thái răn đe mạnh mẽ của Moscow trước những lệnh trừng phạt nghiêm ngặt từ phương Tây.
Một ngày trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký luật mới nhằm điều chỉnh một số nội dung pháp lý liên quan đến hoạt động của các tổ chức kinh tế quy mô lớn. Ngay lập tức, luật này đã gây chú ý với phương Tây bởi điều khoản loại trừ các nhà đầu tư thuộc quốc gia không thân thiện đang nắm cổ phần trong các doanh nghiệp quan trọng của Nga.
“Các cổ đông người Nga hoặc chủ sở hữu có lợi ích liên quan có thể nộp đơn lên tòa án Nga để loại các nhà đầu tư nước ngoài khỏi doanh nghiệp, chuyển giao lại cổ phần cho họ” - Robert Bradshaw và Anna Korshunova, công ty luật Lalive của Thụy Sĩ cho biết.
Nhiều khả năng sau khi có hiệu lực, các nhà đầu tư thuộc những quốc gia đã trừng phạt Nga như Úc, Anh, Canada, thành viên Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, và Mỹ, sẽ chịu thiệt hại nặng nề khi gần như mất trắng tài sản tại Nga.
Theo đó, các chủ sở hữu phương Tây sẽ không chỉ mất quyền sở hữu mà còn không được phép bán cổ phần cho các tổ chức khác, mất quyền biểu quyết và thậm chí bị cấm tham gia các cuộc họp cổ đông.
Mặc dù luật chỉ điều chỉnh các tổ chức quan trọng trong nền kinh tế Nga nhưng các quy định về đối tượng bị áp dụng lại mở rộng với đa số doanh nghiệp của nước này. Theo đó, luật áp dụng cho các cổ đông phương Tây có cổ phần hơn 50% trong các công ty có doanh thu hàng năm ít nhất 75 tỷ rúp (khoảng 782 triệu USD) hoặc 4.000 nhân viên trở lên.
Nhờ vào luật này, các chủ sở hữu người Nga thiểu số sẽ dễ dàng đẩy các chủ sở hữu phương Tây chiếm đa số ra khỏi công ty và hưởng cổ phần của họ. Các cổ đông người Nga chỉ cần nộp đơn tố cáo các ông chủ phương Tây có hành vi phá hoại tài sản công ty hoặc trộm cắp, tòa án Nga sẽ lập tức giải quyết yêu cầu của họ.
Đây không phải là phát súng thương mại duy nhất mà Điện Kremlin nhắm vào các công ty phương Tây. Vào tháng 4, ông Putin đã ký sắc lệnh cho phép chính phủ Nga tiếp quản các hoạt động của công ty năng lượng Uniper and Fortum - công ty năng lượng quốc doanh của Phần Lan.
Tháng 7/2023, Điện Kremlin ra quyết định cấm các hoạt động của nhà sản xuất sữa chua Pháp Danone và nhà sản xuất bia Carlsberg, Đan Mạch tại Nga. Khi phương Tây cấm các hãng hàng không Nga sử dụng máy bay của mình, Moscow đã đáp trả bằng cách tịch thu toàn bộ 400 chiếc máy bay từ các quốc gia đối thủ. Thông qua việc tăng cường các thủ tục giấy tờ hay buộc các công ty phương Tây muốn rời đi phải nộp 10% giá bán doanh nghiệp cho Nhà nước, Điện Kremlin đang gây sức ép lớn lên các công ty phương Tây có ý định muốn rời khỏi thị trường Nga.
“Chúng tôi không có cách nào đề tồn tại trong môi trường Nga cũng như rất khó để rời đi” - Giám đốc điều hành Philip Morris, Jacek Olczak trả lời Financial Times vào tháng Hai. Hiện cả công ty Danone và Carlsberg cũng đang cố rút khỏi Nga khi gần như toàn bộ tài sản của họ đã bị tịch thu.
Tháng 8, Chính phủ Nga đề xuất các công ty phương Tây ở quốc gia này có thể lấy lại tài sản nếu điều tương tự được áp dụng với những công ty Nga có tài sản bị phương Tây đóng băng. Điện Kremlin cho biết họ làm điều này để giúp các doanh nghiệp Nga tránh khỏi các lệnh trừng phạt thắt chặt từ phương Tây, do vậy, trừ khi Mỹ và châu Âu nới lỏng các lệnh trừng phạt còn không mọi thứ vẫn sẽ giữ nguyên.
Trước khi diễn ra xung đột Nga-Ukraine, rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới đã đầu tư vào Nga. Vào năm 2011, BP, gã khổng lồ năng lượng của Anh đã hợp tác với công ty dầu mỏ quốc doanh Rosneft, Nga để khai thác dầu trên thềm lục địa Bắc Cực của Moscow. Tuy nhiên, ngay sau khi Nga tấn công Ukraine, BP tuyên bố rời khỏi Nga với khoản lỗ 25 tỷ USD. Ước tính đến năm 2021, có 48.216 công ty nước ngoài đang hoạt động ở Nga.