Nước Mỹ chạy đua trước bờ vực vỡ nợ

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những bất đồng sâu sắc vẫn xuất hiện về áp lực cạnh tranh giữa cắt giảm chi tiêu và tăng thuế của Mỹ.

Các cuộc đàm phán chi tiết về việc nâng trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD của chính phủ Mỹ đã bắt đầu hôm 10/5 với việc đảng Cộng hòa tiếp tục duy trì quan điểm cắt giảm chi tiêu, một ngày sau cuộc họp đầu tiên sau 3 tháng giữa Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden và thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Kevin McCarthy. 

Thời gian còn lại cho nước Mỹ rất eo hẹp để có thể tránh một vụ vỡ nợ lịch sử, gây bất ổn về kinh tế, mà Bộ Tài chính đã cảnh báo có thể xảy ra ngay sau ngày 1/6. 

Tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington, ngày 5/4. Ảnh: Reuters
Tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington, ngày 5/4. Ảnh: Reuters

Bế tắc đã khiến các nhà đầu tư lo lắng, chi phí bảo hiểm nợ của chính phủ Mỹ lên mức cao kỷ lục. Phố Wall ngày càng lo ngại hơn về những rủi ro của một vụ vỡ nợ chưa từng có.

Cũng trong ngày 10/5, Bộ Tài chính Mỹ thông báo rằng nguồn thu thuế của chính phủ trong tháng 4 có xu hướng giảm, cùng với chi tiêu cao hơn, có thể gây thêm áp lực buộc Quốc hội phải nhanh chóng đạt được thỏa thuận giới hạn nợ.

Maya MacGuineas, chủ tịch Ủy ban phi lợi nhuận về Ngân sách Liên bang cho biết: "Nếu các nhà lập pháp cần một hồi chuông cảnh tỉnh, thì đây chính là tin đó. Doanh thu thuế ít ỏi chính là loại tin tức mà chúng ta không cần bây giờ".

Bà lưu ý rằng tháng 4 là một trong số ít lần Kho bạc Mỹ ghi nhận thặng dư "và khoản thặng dư 176 tỷ USD sẽ quá khiêm tốn trong bối cảnh chúng ta vay 4,2 tỷ USD mỗi ngày trong năm tài chính này."

Những bất đồng sâu sắc vẫn xuất hiện về áp lực cạnh tranh giữa cắt giảm chi tiêu và tăng thuế.

Ông Biden ra dấu hiệu sẵn sàng chấp nhận yêu cầu của Đảng Cộng hòa nhằm thu lại một số tiền chưa sử dụng để cứu trợ Covid-19, trị giá dưới 80 tỷ USD. Trong khi đó, Nhà Trắng nhắc lại sự ủng hộ đối với luật thúc đẩy chính phủ cấp phép cho các dự án năng lượng bằng cách đặt ra các mốc thời gian tối đa.

Đảng Cộng hòa đã không tán thành dự luật đó nhưng nói rằng việc cho phép cải cách sẽ giúp Mỹ duy trì lợi thế trong phát triển dầu khí. Đảng Dân chủ coi đó là thúc đẩy sự phát triển của các dự án năng lượng "sạch".

Vấn đề bế tắc

Ông Biden và các đảng viên Cộng hòa đối lập đã rơi vào bế tắc trong nhiều tháng về mức trần nợ, trong đó đảng Dân chủ kêu gọi tăng nợ "sạch" mà không cần có điều kiện trả nợ từ chi tiêu và cắt giảm thuế được Quốc hội thông qua.

Trong khi đó, các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện và Thượng viện cho biết sẽ không cho phép bất kỳ khoản vay bổ sung nào mà không có thỏa thuận cắt giảm chi tiêu trong tương lai.

Trong diễn biến liên quan, ông Biden dự kiến sẽ lên đường vào ngày 18/5 để tham dự cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo G7. Ông cho biết sẵn sàng hủy chuyến đi để đạt được thỏa thuận về trần nợ.

Rohit Kumar, cựu trợ lý Thượng viện, hiện là đồng lãnh đạo cơ quan thuế quốc gia của PwC tại Washington, cho rằng chuyến đi sắp tới của ông Biden là thời hạn khả thi cho một thỏa thuận khung về nợ. 

Lần gần nhất Mỹ đến bờ vực vỡ nợ tương tự là vào năm 2011. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần