Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nước Mỹ “may hơn khôn”?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2020 trôi về những ngày cuối cùng, với việc Mỹ vẫn là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất thế giới.

Tuy nhiên, nền kinh tế số 1 thế giới được cho là đã hoạt động tốt hơn nhiều so với các quốc gia đồng đẳng khác trong năm tồi tệ này, đặt ra câu hỏi: Phải chăng phản ứng hạ thấp ưu tiên sức khỏe cộng đồng của Chính phủ Washington đã mang lại hiệu quả?
Nhiều lợi thế

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế Mỹ dự kiến sẽ giảm 4,4% trong năm 2020, so với 5,3% ở Nhật Bản, 6% ở Đức, 7,1% ở Canada và gần 10% ở cả Vương quốc Anh và Pháp. Điều này diễn ra trong bối cảnh 2020 trở thành năm chết chóc nhất trong lịch sử nước Mỹ, với số người chết trong năm nay sẽ lần đầu vượt mốc 3 triệu, chủ yếu vì đại dịch Covid-19. Hơn hết, xuyên suốt năm qua, chính trị Mỹ chìm vào một cuộc tranh cãi về việc nên hạn chế xã hội để ngăn chặn đại dịch lây lan, hay bất chấp để giữ cho nền kinh tế được tiếp tục.
 Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump trong một lần hiếm hoi đeo khẩu trang xuất hiện trước báo giới.
Trả lời báo giới hồi tháng 5, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump khẳng định: “Đúng. Một số người sẽ phải chịu ảnh hưởng xấu, nhưng chúng ta phải sớm mở cửa đất nước”. Quan điểm này được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin lặp lại sau đó: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đã học được bài học rằng nếu bạn đóng cửa nền kinh tế, bạn sẽ tạo ra nhiều thiệt hại hơn”. Để rồi đến tháng 11, các cử tri Mỹ đã tự phân chia thành hai phe trong cuộc bầu cử Tổng thống, dựa trên chính hai lựa chọn tưởng như tách biệt này.

Trên thực tế, Mỹ được cho đã bước vào cuộc khủng hoảng Covid-19 với một số lợi thế về cấu trúc, bao gồm cả một nền kinh tế đa dạng hóa cao. Các quốc gia chủ yếu phụ thuộc vào một ngành bị ảnh hưởng nặng nề - chẳng hạn như Tây Ban Nha về du lịch - có xu hướng chững lại, bất kể sức khỏe hoặc phản ứng kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Mỹ cũng may mắn không phải phụ thuộc vào xuất khẩu để tăng trưởng. Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, doanh số bán hàng ở nước ngoài chiếm 12% tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ - so với 18% ở Nhật Bản, 32% ở Canada và 47% ở Đức. Điều này có nghĩa là sự sụp đổ trong thương mại toàn cầu trong thời kỳ đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề hơn đến các quốc gia khác so với Mỹ.

Một lợi thế cấu trúc khác là việc “Washington là nơi in tiền dự trữ của thế giới, có nghĩa là nó có xu hướng hút dòng vốn toàn cầu khi độ rủi ro tăng cao như trong một đại dịch”, chuyên gia Mark Zandi của Moody's Analytics nhận định. Điều đó làm tăng giá trị tài sản và giảm chi phí đi vay của người Mỹ. Ông Zandi lưu ý thêm rằng thị trường lao động của Mỹ cũng linh hoạt hơn so với các nước khác: “Người Mỹ sẵn sàng tiếp nhận các công nghệ mới hơn, do đó dễ thực hiện những thay đổi lớn trong cách họ sống và làm việc”. Điều đó làm cho việc hấp thụ những cú sốc lớn trở nên dễ dàng hơn.

Mỹ đã tạo nên một nền tảng tốt hơn, không chỉ về hình thức mà còn cả chức năng, trong việc chống lại sự suy thoái kinh tế của đại dịch. Quốc gia này được cho là đã có chính sách tiền tệ tốt nhất trong nhóm các nền kinh tế đồng đẳng. Mùa Xuân này, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã xoa dịu thành công thị trường tài chính bằng một chương trình đặc biệt, đồng thời giảm lãi suất xuống 0 và tràn ngập thị trường bằng tiền mặt. Hơn hết, nước Mỹ đạt được vận may kinh tế vĩ mô nhờ sự vận động mạnh mẽ của Washington thông qua một đợt kích thích khổng lồ và thành công hồi đầu năm - một chính sách đúng đắn mà chính quyền Trump sắp mãn nhiệm đang cố gắng cản trở đối với Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Không thể chủ quan

Trở lại con số dự báo của IMF, nền kinh tế Mỹ được cho không thể chủ quan, khi dường như nước này đang ở trong thế “may hơn khôn”. Trước hết, đó không phải là kết quả của việc Mỹ bảo tồn được nhiều việc làm, khi tỷ lệ thất nghiệp ở nước này cao hơn nhiều so với ở Nhật Bản, Đức hoặc Anh. Hơn hết, nó cũng không đồng nghĩa với việc quản lý sức khỏe cộng đồng của Mỹ tốt hơn so với các quốc gia khác - vốn đã được mở cửa trở lại sớm hơn và ghi nhận tiêu dùng tăng trở lại. Thật vậy, Bloomberg mới đây trích dẫn một biểu đồ của 2 nhà kinh tế học Scott Johnson và Tom Orlik, thể hiện tỷ lệ tử vong của Covid-19 trên một triệu dân so với mức tổng sản phẩm quốc nội trong quý 4 so với xu hướng trước đại dịch, từ đó chứng minh luận điểm: Không cần thiết phải đánh đổi giữa cuộc sống và sinh kế.

Theo biểu đồ này, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản xếp trên cùng vì các nước này có số lượng tử vong vì virus rất nhỏ trên một triệu người, và các nền kinh tế này cũng đang chạy gần như cùng tốc với thời điểm trước Covid-19. Ở “góc thua cuộc” phía dưới là Anh, Mexico, Tây Ban Nha và Argentina, với tỷ lệ tử vong cao và nhiều thiệt hại kinh tế. Trong khi Mỹ, Pháp và Italia là những trường hợp trung gian, với số người thiệt mạng nhiều hơn Trung Quốc nhưng thiệt hại kinh tế không nhiều như Anh.

Cảnh báo “một mùa Đông khắc nghiệt đang ập đến” với cường quốc số 1 thế giới, The Economist mới đây chỉ ra loạt lý do khiến thành công tương đối của nền kinh Mỹ có thể không kéo dài lâu nữa, thậm chí sẽ đảo chiều. Trong đó, việc Mỹ nới lỏng phỏng tỏa - đã cho phép hàng triệu người trở lại làm việc và bắt đầu chi tiêu trở lại - sẽ không thể bù đắp được các hạn chế một khi làn sóng dịch bệnh trở lại sau đó. Chẳng hạn, trong tuần trước Lễ Tạ ơn vừa qua, lượng người tới các khu giải trí và bán lẻ ở bang South Dakota thấp hơn 8% so với mức bình thường, sau sự gia tăng liên tục các trường hợp dương tính tại đây.

"Không ai trong ngành y tế cộng đồng nói rằng nền kinh tế là không quan trọng. Nhưng điều chúng tôi đang muốn truyền tải là việc quá nhiều người mắc bệnh sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế." - Eileen White, cựu nhà dịch tễ học tại South Dakota