Một cuộc họp của Hội Nghị Ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra năm 2016 tại Brussels. |
Căng thẳng Ukraine
Đại sứ Nga và NATO trong cuộc gặp đầu tiên của năm nay sẽ thảo luận về tình hình Ukraine, Afghanistan và công tác phòng ngừa các sự cố quân sự. Đại sứ thường trực Nga Alexander Grushko tại NATO lưu ý rằng “nhịp điệu làm việc của Hội đồng đang dần được khôi phục”. Đồng thời khẳng định “các cuộc thảo luận đang đi vào guồng quay công việc”. Tuy nhiên, nhiều dự đoán cho thấy, cuộc thảo luận này sẽ không đi tới đâu, bởi lâu nay, những tranh cãi về chương trình nghị sự của cuộc họp, nhất là vấn đề cuộc xung đột ở Ukraine luôn là nút thắt khiến các cuộc hội đàm giữa NATO với Nga và cả Mỹ bị đình trệ.
Bên cạnh đó, việc Thượng viện Mỹ “bật đèn xanh” cho Montenegro gia nhập NATO nhiều khả năng cũng sẽ trở thành tiêu điểm trong cuộc họp ngày 31/3 tại Brussel. Bởi, đây được cho là “đòn giáng mạnh” vào Ukraine - một nước đã chối bỏ mối quan hệ với Moscow, nuôi tham vọng gia nhập NATO nhưng bất thành. Hồi đầu tháng 2/2017, Tổng thống Ukraine Piotr Poroshenko cho biết, ông có dự định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc đưa quốc gia này gia nhập vào NATO.
Song, từ động thái trên cho thấy, “giấc mơ” gia nhập NATO của Ukraine là quá xa vời. Bởi, dù có diện tích và dân số nhỏ, nhưng Montenegro được cho là sở hữu vị trí chiến lược quan trọng tại vùng Balkan và giúp NATO mở rộng biên giới tại vùng bờ biển Adriatic. Điều này cho thấy, Ukraine đã ít lợi thế hơn so với Montenegro. Bên cạnh đó, bản thân NATO cũng chưa muốn Ukraine gia nhập tổ chức này. Các nước thành viên NATO đang cố gắng không động đến vấn đề gia nhập của chính quyền Kiev và từ chối ý tưởng này vì cho rằng, “thiếu sự đồng thuận” trong chính nội bộ tổ chức.
Quan hệ đồng minh với Mỹ
Bên cạnh vấn đề gia nhập NATO của Ukraine, các nước thành viên khối này được cho là sẽ tập trung thảo luận xung quanh vấn đề kinh phí cho NATO. Theo đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson được sự kiến sẽ nhấn mạnh vào việc thực hiện cam kết hỗ trợ tài chính liên minh của các nước thành viên Liên minh quân sự này. Tuy nhiên, rõ ràng một quan điểm như trên không thể làm hài lòng các đồng minh của Mỹ. Bởi, các đồng minh này đang mong đợi một tuyên bố chắc chắn ủng hộ NATO từ chính quyền tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Đến thời điểm hiện tại, việc Mỹ chưa bổ nhiệm đại diện thường trực tại NATO cho thấy, chính quyền Washington vẫn chưa hoàn toàn bày tỏ sự nhiệt tình đáp trả với Liên minh quân sự này. Nhất là khi trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố, các đối tác NATO phải tăng tài trợ nếu không muốn sự ủng hộ của Washington trở nên “khiêm tốn hơn”. Đây cũng là quan điểm mà ông Trump đã thể hiện trong suốt cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, khi nhiều lần kêu gọi các đồng minh Mỹ trong NATO tăng chi phí để duy trì liên minh.