Ốc đảo xanh giữa lòng thành phố Thái Nguyên

Đoàn Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) vinh danh, trao giải “Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022”, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (xóm Cường, xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên) được ví như ốc đảo xanh giữa lòng “Thủ đô gió ngàn”.

Những trải nghiệm thú vị không thể bỏ lỡ

Đến với Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (bản làng Thái Hải), du khách sẽ được hòa mình giữa thiên nhiên tươi xanh, yên bình cùng những con người mộc mạc, hồn hậu. Từ cụ già đến em nhỏ đều khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc Tày màu chàm nền nã nhưng không kém phần bắt mắt.

Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải tươi xanh, yên bình. Ảnh: Đoàn Thảo Nguyên
Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải tươi xanh, yên bình. Ảnh: Đoàn Thảo Nguyên

Khi bước vào bản, du khách được hơ tay qua bếp lửa và rửa tay tại giếng nước đầu làng như một nghi thức gột sạch những điều không may mắn trong quá trình di chuyển trên đường. Việc này được xem như là cầu bình an, sức khỏe cho tất cả mọi người đến với bản làng.

Khi có khách du lịch dừng chân ghé thăm bản, người dân trong làng sẽ gõ vào mõ làng một hồi thật vang vọng để báo tin cho mọi người biết làng ta hôm nay có du khách đến thăm. Đây là một phong tục truyền thống lâu đời của người Tày.

Giếng nước bốn mùa trong xanh tại bản làng Thái Hải. Ảnh: Đoàn Thảo Nguyên
Giếng nước bốn mùa trong xanh tại bản làng Thái Hải. Ảnh: Đoàn Thảo Nguyên

Đến với Thái Hải, du khách được nghe hướng dẫn viên kể những câu chuyện về bản làng và các phong tục truyền thống để hiểu thêm được nhiều điều lý thú về văn hóa của người Tày.

Tiếp đến là trải nghiệm đời sống sinh hoạt thường ngày của dân bản trên những ngôi nhà sàn; tham gia các hoạt động lao động sản xuất thường ngày như: Hái chè, hái lá thuốc, trồng trọt, chăn nuôi... Các hoạt động văn hoá ý nghĩa cũng được người dân bản khéo léo truyền tải thông qua việc tái hiện sinh động lễ hội Lồng Tồng với các trò chơi dân gian như: Đánh đu, kéo co, tung còn…

 

Ở bản làng Thái Hải, chúng tôi ăn chung nồi cơm, tiêu chung túi tiền, đoàn kết cùng nhau gìn giữ nét văn hoá dân tộc Tày. Song, mỗi người đảm nhận một công việc khác nhau: Người đón tiếp khách, người làm chè truyền thống, người nấu rượu, người làm đồ thủ công mỹ nghệ…

Chị Hà Thị Hằng - Hướng dẫn viên du lịch Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải

Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức những món ăn đặc trưng được nấu đúng với hương vị truyền thống như: Khâu nhục, nộm hoa chuối, thịt treo gác bếp… hay thưởng thức rượu Lầu Chăng Mỳ, một đặc sản của dân tộc Tày bên bếp lửa hồng, rồi cùng nhau thưởng thức làn điệu hát Then đàn tính mộc mạc, trữ tình.

Chị Nguyễn Mai Lan (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Khi đặt chân đến bản làng Thái Hải, tôi thật sự rất ấn tượng từ khung cảnh yên bình đến con người thân thiện và nhiệt tình. Các bé nhà tôi rất thích thú và hào hứng khi được trải nghiệm làm người dân bản xứ, tham gia các hoạt động lễ hội và các trò chơi dân gian. Đây là một trong những trải nghiệm khó quên đối với gia đình mình sau một tuần học tập, làm việc căng thẳng”.

Ốc đảo xanh giữa lòng thành phố Thái Nguyên - Ảnh 1
Ốc đảo xanh giữa lòng thành phố Thái Nguyên - Ảnh 2
Ốc đảo xanh giữa lòng thành phố Thái Nguyên - Ảnh 3
 

Đến với Thái Hải, du khách được trải nghiệm lễ hội Lồng Tồng với các trò chơi dân gian như: Đánh đu, kéo co, tung còn… Ảnh: Đoàn Thảo Nguyên 

Gìn giữ văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng

Theo Trưởng bản Nguyễn Thị Thanh Hải, bắt đầu xây dựng năm 2002, đón du khách tham quan từ năm 2014, Thái Hải sở hữu quy mô 25 ha với núi đồi, cỏ cây, hoa lá và hồ nước lớn, đặc biệt là 30 ngôi nhà sàn có tuổi đời hàng trăm năm. Những ngôi nhà sàn này đều được di chuyển về từ ATK Định Hóa và phục dựng giữ nguyên bản để gìn giữ, bảo tồn và phát huy một cách tốt nhất.

Nét đẹp sinh hoạt hàng ngày của bà con dân tộc Tày ở bản làng Thái Hải. Ảnh: Đoàn Thảo Nguyên
Nét đẹp sinh hoạt hàng ngày của bà con dân tộc Tày ở bản làng Thái Hải. Ảnh: Đoàn Thảo Nguyên

Cùng với nhà sàn lợp lá cọ, các vật dụng truyền thống như: Cối xay thóc, cối giã gạo bằng nước... vẫn được bà con dân tộc Tày ưu tiên sử dụng trong đời sống sản xuất và sinh hoạt thường ngày, gợi một cảm giác gần gũi với bất kỳ ai khi đặt chân đến đây. Đặc biệt, người trong bản tự đan rổ, rá, chậng, dậu từ tre, nứa vừa dùng để sinh hoạt hàng ngày, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.

Điều đặc biệt hơn cả, những người dân sinh sống tại bản làng chính là những hướng dẫn viên nhiệt tình giúp du khách có những trải nghiệm thú vị trọn vẹn về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Họ đến từ nhiều vùng miền khác nhau như: Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang nhưng chung một sứ mệnh là gìn giữ và bảo tồn văn hoá dân tộc Tày.

Thức bánh đặc sản của bà con dân tộc Tày ở bản làng Thái Hải. Ảnh: Đoàn Thảo Nguyên
Thức bánh đặc sản của bà con dân tộc Tày ở bản làng Thái Hải. Ảnh: Đoàn Thảo Nguyên

Chị Lê Thị Nga – Nhân sự phụ trách văn hoá của bản làng cho biết: “Để gìn giữ văn hoá dân tộc không bị mai một, tất cả những người dân sinh sống tại bản làng luôn đồng lòng, chung sức bảo tồn văn hoá người Tày từ môi trường sinh thái, đời sống sinh hoạt hàng ngày đến các sản phẩm truyền thống nhằm lan toả văn hoá dân tộc đến với tất cả du khách trong và ngoài nước.”

Ốc đảo xanh giữa lòng thành phố Thái Nguyên - Ảnh 4
Ốc đảo xanh giữa lòng thành phố Thái Nguyên - Ảnh 5
 

Nông, đặc sản ở bản làng Thái Hải được nhiều khách du lịch ưa chuộng và mua về làm quà. Ảnh: Đoàn Thảo Nguyên

Với sự đồng lòng, chung sức tâm huyết của bà con dân tộc Tày, tin tưởng Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải sẽ trở thành đến hấp dẫn, thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế. Từ đó, góp phần phát triển du lịch cộng đồng bền vững cũng như nâng cao đời sống của người dân nơi đây.

Vẻ đẹp độc đáo của Thái Hải đã và đang tô điểm thêm cho hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, hòa bình và mến khách trong mắt bạn bè năm châu.

 

Từ nhiều năm nay, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải là địa điểm du lịch nổi tiếng của Thái Nguyên, được nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Việc được UNWTO vinh danh, trao giải đã khẳng định hướng phát triển du lịch cộng đồng bền vững của bà con dân tộc Tày, góp phần quảng bá du lịch tỉnh Thái Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung.

Trưởng bản Nguyễn Thị Thanh Hải