Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Omicron khiến Triều Tiên thêm phần khan hiếm lương thực?

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cho đến nay, Triều Tiên vẫn ghi nhận 0 ca mắc Covid-19, tuy nhiên có lo ngại rằng biến thể Omicron sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế vốn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm qua.

Hồi giữa tháng 11, có dấu hiệu Triều Tiên và Trung Quốc sẵn sàng tái khởi động thương mại đường bộ khi các đoàn tàu băng qua sông Áp Lục, tiến vào Trung Quốc từ phía Triều Tiên.
Các công nhân cũng bắt tay vào nâng cấp cây cầu hữu nghị Trung-Triều, nối thành phố Đan Đông, Trung Quốc với thành phố Sinuiju, Triều Tiên.
Những dấu hiệu hoạt động này khiến tình báo Hàn Quốc dự đoán về việc nối lại thương mại giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Omicron có thể khiến Triều Tiên một lần nữa phải phong tỏa biên giới, trở lại các biện pháp hạn chế ngặt nghèo.
 Hồi tháng 11, cây cầu hữu nghị Trung - Triều được ghi nhận có hoạt động xây dựng, nâng cấp. Ảnh: Reuters
Tình trạng thiếu lương thực và các nguồn cung khác ở Triều Tiên đang diễn biến nghiêm trọng. Theo đánh giá của tình báo Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ra lệnh cho các giới chức phải đảm bảo lương thực "đến hạt gạo cuối cùng", theo đánh giá của tình báo Hàn Quốc, nhà lãnh đạo ví tình hình như "đi trên băng mỏng".
Tổng sản phẩm quốc nội của Triều Tiên giảm 4,5% vào năm 2020, theo ước tính của ngân hàng T.Ư Hàn Quốc (BoK). Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ mức giảm 6,5% vào năm 1997, trong thời kỳ đỉnh điểm của nạn đói kéo dài nhiều năm, được gọi là Tháng 3 gian khổ.
Bất chấp tình trạng này, giới lãnh đạo Triều Tiên tin rằng nước này vẫn có khả năng chịu được áp lực do giá ngũ cốc và các mặt hàng chủ lực khác vẫn ổn định. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un không chấp nhận viện trợ nhân đạo quốc tế.
Theo Nikkei, các chỉ số kinh tế đã được cải thiện cho đến năm 2016, trước khi Triều Tiên đối diện với một số biến cố. Đầu tiên là vào năm 2017, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên sau vụ thử vũ khí hạt nhân lần thứ sáu. Các lệnh trừng phạt đã đặt một giới hạn đối với nhập khẩu xăng dầu.
Lượng ngoại tệ mà Triều Tiên nắm giữ cũng giảm mạnh. Theo tài liệu của BoK, tỷ lệ nắm giữ ngoại tệ của Triều Tiên đã tăng 300 triệu USD lên 400 triệu USD/năm từ năm 1997 đến năm 2003. Các khoản này giảm hơn 1 tỷ USD trong cả năm 2017 và 2018 do các lệnh trừng phạt.
Trước đó hồi tháng 6/2021, theo hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên, ông Kim Jong-un đã chủ trì kỳ họp toàn thể của Đảng Lao động Triều Tiên và cho biết nền kinh tế tổng thể của Triều Tiên đã được cải thiện trong nửa đầu năm 2021, với tổng sản lượng công nghiệp tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, những khó khăn xuất hiện trong quá trình triển khai chính sách của nhà nước đã dẫn đến việc nguồn cung cấp thực phẩm trở nên eo hẹp.
Theo nhà lãnh đạo, tình hình lương thực của người dân đang trở nên căng thẳng do ngành nông nghiệp không hoàn thành kế hoạch sản lượng ngũ cốc sau khi bị thiệt hại bởi mùa mưa bão năm ngoái.