Omicron và sai lầm lặp lại

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phiên họp đặc biệt của Hội đồng Y tế Thế giới diễn ra trong tuần này nhằm hướng tới một hiệp ước toàn cầu đối phó đại dịch, đúng vào thời điểm thế giới rơi vào vòng luẩn quẩn do biến thể Omicron mới, sau 2 năm tưởng chừng đã rút ra được những bài học kinh nghiệm từ phản ứng với Covid-19.

Sai lầm lặp lại
Biến thể B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2, được đặt tên là Omicron, hiện được cho là đã lưu hành ở Tây Âu trước khi nó được báo cáo lần đầu tiên tại Nam Phi vào ngày 25/11. Những bằng chứng ban đầu cho thấy biến thể này đang lây lan nhanh chóng và các nhà khoa học cảnh báo Omicron là phiên bản virus có số lượng đột biến nhiều nhất mà họ từng thấy, đặt ra câu hỏi về hiệu quả của vaccine trong việc chống lại nó. Nhưng cho đến nay vẫn còn quá ít thông tin thực tế về Omicron, và dự kiến sẽ mất vài tuần để giới khoa học có thể chắc chắn về khả năng lây lan của biến thể mới này, cũng như mối nguy hiểm thực sự mà nó gây ra.
 Học sinh ở Mumbai, Ấn Độ, cổ vũ Nam Phi vượt qua đại dịch thông qua tranh vẽ về biến thể Omicron. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, báo cáo của các nhà khoa học Nam Phi đã ngay lập tức thúc đẩy hàng loạt quốc gia thực thi lệnh cấm đối với người nhập cảnh từ một số quốc gia miền Nam châu Phi. Và cũng như khi biến thể nguy hiểm Delta được phát hiện, hay mỗi khi một làn sóng dịch mới xuất hiện, thế giới hô hào “sống chung với Covid-19” lại như rơi vào vòng luẩn quẩn: Nỗi lo các ca nhiễm mới và tử vong gia tăng khiến bệnh viện quá tải; thúc đẩy các hạn chế, đóng cửa biên giới; nổ ra tranh cãi về khẩu trang, vaccine bắt buộc, lệnh phong tỏa… Diễn biến này có thể đi đến việc giảm số ca nhiễm và mở cửa trở lại, nhưng rồi lại phát hiện một biến thể mới và tất cả lặp lại một lần nữa.

“Chúng ta đang sống trong một chu kỳ hoảng sợ nhưng không thực sự quan tâm” - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói tại phiên họp đặc biệt của Hội đồng Y tế Thế giới (29/11 - 1/12). Theo ông Tedros, biến thể mới lần này đã cho thấy sự cấp thiết phải có một hiệp định quốc tế về ứng phó với đại dịch, khi mà hệ thống hiện tại đang ngăn cản các quốc gia cảnh báo những mối đe dọa đối với nhân loại. “Nam Phi và Botswana nên được cảm ơn vì đã phát hiện, xác định trình tự gen và sớm báo cáo về biến thể mới này, thay vì bị trừng phạt” - lãnh đạo WHO nói, nhấn mạnh việc thiếu một cách tiếp cận toàn cầu nhất quán và chặt chẽ đối với đại dịch “đã dẫn đến phản ứng rời rạc, gây hiểu lầm, thông tin sai lệch và thiếu tin cậy”.

Giáo sư Tulio de Oliveira - Giám đốc Trung tâm Đổi mới và Ứng phó Dịch tễ của Nam Phi - gây chú ý với chia sẻ trên trang Twitter cá nhân về việc ông phải rốt ráo liên hệ với khắp các công ty công nghệ sinh học khi rơi vào cảnh “hết thuốc thử vì không còn máy bay đến Nam Phi!” Để thấy, lệnh cấm đi lại bởi nhiều nước vì Omicron lại đang cản trở nghiên cứu khoa học về Omicron tại Nam Phi.

Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về những hạn chế đi lại mà nhiều quốc gia áp đặt đối với các quốc gia châu Phi. “Như đã cảnh báo từ lâu, tỷ lệ tiêm chủng thấp là cơ hội của các biến thể” - ông Gueterres cho biết trong một tuyên bố - “Đừng đổ lỗi cho người dân châu Phi vì khả năng tiếp cận vaccine kém ở châu Phi, và họ cũng không đáng bị bỏ mặc vì đã chia sẻ thông tin khoa học quan trọng với thế giới”.

Covid-19 ngay từ đầu đã phơi bày và làm trầm trọng những điểm yếu trong hệ thống toàn cầu đối với việc chuẩn bị và đối phó đại dịch, bao gồm quản trị, phân phối và tài chính không đầy đủ. Biến thể Omicron mới một lần nữa làm nổi bật sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận với vaccine: Trong khi các nước phương Tây - phần lớn đã được tiêm chủng - đang tranh luận về kế hoạch tiêm chủng bắt buộc và đẩy nhanh các mũi tiêm nhắc lại, thì một phần lớn dân số châu Phi vẫn chưa được bảo vệ, tạo môi trường cho virus lây lan và đột biến. WHO cho biết, hơn 80% lượng vaccine Covid-19 trên thế giới đã được chuyển đến các nước G20, còn các nước thu nhập thấp, hầu hết ở châu Phi, chỉ nhận được 0,6% tổng số vaccine.

“Những bất bình đẳng này và phản ứng với việc phát hiện Omicron của Nam Phi đã chứng minh rằng, mặc dù đã gần 2 năm xảy ra đại dịch, toàn cầu vẫn chưa có kế hoạch để cùng thoát khỏi nó” - bình luận đáng suy ngẫm của The New York Times.

Để thoát khỏi vòng lặp Covid-19

Gọi biến thể Omicron là “người chơi mới trong đại dịch”, tờ Die Welt của Đức kêu gọi mọi người cần giữa thái độ bình tĩnh, đặc biệt là khi vẫn còn chưa chắc chắn về mức độ nguy hiểm của nó. Nhật báo El Espectador của Colombia cũng kêu gọi “thận trọng” với biến thể mới trên trang nhất ngày 1/12, đồng thời nhắc nhở độc giả rằng đại dịch Covid-19 cũng đã gây ra hàng triệu trường hợp trầm cảm vì cuộc sống bị gián đoạn trên khắp thế giới.

Tại cuộc họp báo hôm 1/12, Giám đốc Chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan nhấn mạnh rằng, lệnh cấm đi lại đối với các nước châu Phi đã được áp dụng bởi nhiều quốc gia sẽ không thể ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron, cho đó là quyết định “phi logic” khi nhìn từ góc độ dịch tễ học và y tế cộng đồng. Mặc dù hy vọng sẽ có thêm thông tin về khả năng lây truyền của biến thể mới này trong vòng vài ngày tới, các chuyên gia của WHO tin rằng những vaccine Covid-19 hiện hành vẫn có hiệu quả nhất định trong việc ngăn ngừa các trường hợp bệnh nghiêm trọng do nhiễm Omicron.

Tổng Giám đốc WHO Tedros trước đó kêu gọi các quốc gia thành viên tiếp tục hỗ trợ cho các mục tiêu tiêm chủng 40% dân số của mọi quốc gia vào cuối năm nay và 70% vào giữa năm tới. Ông lưu ý: “Trong khi một số quốc gia hiện đang bắt đầu tiêm

vaccine cho các nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng rất thấp hoặc tiêm thuốc tăng cường cho những người trưởng thành khỏe mạnh, ước tính cứ 4 nhân viên y tế tuyến đầu ở châu Phi thì chỉ có một người đã được chủng ngừa đầy đủ. Điều này là không thể chấp nhận được”.

Thay vì hạn chế đi lại, Tổng thư ký Liên Hợp quốc Guterres đề xuất tất cả các chính phủ lúc này cần xem xét thử nghiệm liên tục đối với người nhập cảnh, cùng các biện pháp phòng ngừa thích hợp và thực sự hiệu quả khác, để cho phép du lịch và kinh tế được trở lại một cách an toàn. Trong khi đó, Giáo sư Oliveira đăng tải lời kêu gọi Ngân hàng Thế giới và các tổ chức tài chính khác, cùng các tỷ phú như Elon Musk, Bill Gates, Jeff Bezos và Warren Buffett, hỗ trợ châu Phi nói chung về mặt tài chính để kiểm soát và dập tắt các biến thể - thoát khỏi vòng lặp Covid-19 hiện nay. “Bằng cách bảo vệ dân số nghèo và dễ bị tổn thương, chúng ta sẽ bảo vệ thế giới” - nhà khoa học hàng đầu Nam Phi viết.

"Đừng đổ lỗi cho người dân châu Phi vì khả năng tiếp cận vaccine kém ở châu Phi, và họ cũng không đáng bị bỏ mặc vì đã chia sẻ thông tin khoa học quan trọng với thế giới." - Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần