Ông Biden cấm vận dầu mỏ Nga, chứng khoán Mỹ lại nhuộm sắc đỏ

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc trong ngày 8/3 khi giới đầu tư thận trọng trước tác động từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine sau khi Washington thông báo cấm nhập khẩu dầu và năng lượng khác của Nga.

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall đảo chiều đi xuống ở cuối phiên giao dịch ngày thứ Ba sau phiên giảm mạnh nhất của S&P 500 kể từ tháng 10/2020 trong bối cảnh nhà đầu tư đánh giá căng thẳng Nga-Ukraine cũng như việc giá hàng hóa tăng kỷ lục.

Chỉ số Dow Jones sụt 184,74 điểm khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/3.
Chỉ số Dow Jones sụt 184,74 điểm khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/3.

Chốt phiên giao dịch ngày 8/3, chỉ số Dow Jones sụt 184,74 điểm, tương đương 0,56%, xuống còn 32.632,64 điểm, sau khi vọt 585 điểm trước đó trong phiên. Dow Jones đã giảm sâu vào vùng điều chỉnh. Chỉ số S&P 500 cũng giảm 0,7% còn 4.170,70 điểm, tiếp tục mất điểm sau đợt điều chỉnh kỹ thuật. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 0,3%, xuống còn 12.795,55 điểm, chìm sâu vào thị trường gấu.

Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 đã đi ngược lại xu hướng thị trường khi tăng 0,6% trong ngày 8/3.

Thị trường đón nhận tin xấu và đảo chiều đi xuống ở cuối phiên sau khi tin Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo lệnh cấm nhập khẩu dầu và các mặt hàng năng lượng khác của Nga.

Nhà đầu tư tiếp tục lo ngại về tình trạng giá cả hàng hóa tăng vọt và nguy cơ kinh tế giảm tốc do cuộc xung đột Nga - Ukraine. Giá xăng dầu, khí tự nhiên và kim loại quý như nickel và palladi liên tục tăng làm gia tăng rủi ro từ việc kinh tế giảm tốc cùng với lạm phát phi mã.

Ông Chris Senyek - Giám đốc chiến lược đầu tư tại công ty nghiên cứu Wolfe Research nhận xét: "Cuộc xung đột Nga-Ukraine, giá hàng hóa nhảy vọt, lo ngại về lạm phát và việc thắt chặt chính sách của FED ngày càng  khiến nhà đầu tư lo ngại về suy thoái kinh tế, dẫn đến đà bán tháo trên thị trường Phố Wall". 

Giá dầu WTI nhảy vọt 7% lên trên mức 128 USD/thùng trong phiên ngày thứ Ba khi Tổng thống Joe Biden cho biết nước Mỹ sẽ cấm nhập khẩu dầu của Nga. Giá dầu WTI tương lai khép phiên tăng 3,6% lên mức 123,70 USD/thùng.

Giá cổ phiếu năng lượng đi lên nhờ việc giá dầu tăng vọt, với cổ phiếu Chevron tăng 5,2%. Ngoài ra, các cổ phiếu năng lượng mặt trời và năng lượng sạch khác cũng tăng điểm khi giá dầu liên tục leo dốc khiến thị trường chuyển sự chú ý sang các nguồn năng lượng thay thế. Cổ phiếu Enphase Energy và SunPower lần lượt cộng 10,8% và 18,7%.

Cổ phiếu các hãng hàng không và du thuyền cũng diễn biến khởi sắc với cổ phiếu Delta Air Lines nhích 3,7% và cổ phiếu American Airlines cộng 5,2%. Cổ phiếu Southwest và United Airlines lần lượt tăng 5,3% và 3,3%, còn cổ phiếu Norwegian Cruise Line cũng cộng gần 3,8%.

Giá dầu thô tăng vọt đã bắt đầu ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng. Do giá dầu leo dốc mạnh, giá xăng tại Mỹ cũng tăng kỷ lục trong ngày thứ Ba khi đạt trung bình 4,173 USD/gallon. Mức kỷ lục cũ là 4,114 USD/gallon vào tháng 7/2008, chưa điều chỉnh cho lạm phát. Giá các hàng hóa khác cũng tiếp tục tăng mạnh trong ngày 8/3. Giá Niken tích tắc chạm mức cao kỷ lục trên 100.000 USD/tấn.

Lợi suất trái phiếu cũng tăng mạnh, với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cộng gần 10 điểm cơ bản lên 1,85% khi nhà đầu tư đẩy mạnh bán trái phiếu do lo ngại lạm phát gia tăng. Lợi suất thường di chuyển ngược chiều với giá.

Giới đầu tư tiếp tục theo dõi những diễn biến căng thẳng địa chính trị tại Ukraine. Nga hôm 8/3 cảnh báo giá dầu thô có thể chạm mức 300 USD/thùng nếu các nước phương Tây ban hành lệnh cấm xuất khẩu năng lượng của Moscow.

Sau hai phiên giao dịch đầu tuần, Dow Jones đã giảm tổng cộng 2,9%. S&P 500 và Nasdaq sụt lần lượt 3,7% và 3,9%.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần