Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ông Biden thách thức "di sản" của Tổng thống Trump

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi việc kiểm phiếu của cuộc bầu cử Tổng thống vẫn đang tiếp tục với nhiều tranh cãi, Mỹ đã chính thức trở thành quốc gia đầu tiên rút khỏi cam kết khí hậu quốc tế của Liên Hợp quốc - Thỏa thuận Khí hậu Paris - hôm 4/11 vừa qua.

"Di sản" của Tổng thống Donald Trump

Ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đã chỉ trích động thái của chính quyền đương nhiệm và thề sẽ ưu tiên khí hậu một khi tiếp quản Nhà Trắng. "Hôm nay, chính quyền Trump đã chính thức rời khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris. Và chính xác là 77 ngày nữa, chính quyền Biden sẽ tham gia lại nó", ông Biden viết trên Twitter hôm 4/11.

Như vậy, dù kết quả cuộc bầu cử Mỹ ra sao thì nó cũng tác động đến chính sách biến đổi khí hậu quốc tế, đặc biệt khi Mỹ là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc.

Về phần mình, ông Biden đã đề xuất một kế hoạch trị giá 1,7 nghìn tỷ USD tập trung vào năng lượng sạch, việc làm xanh, mục tiêu không điện carbon vào năm 2035 và không phát thải ròng vào năm 2050.

Kế hoạch này trái ngược hoàn toàn với chính sách khí hậu của ông Trump, trong đó ủng hộ mạnh mẽ ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, qua đó thu hẹp các biện pháp bảo vệ môi trường của Mỹ.

Giới quan sát nhận định, việc Washington tái ký kết hiệp định Paris cũng có thể giúp định hướng cuộc tranh luận toàn cầu về biến đổi khí hậu, đồng thời khẳng định lại vai trò của Mỹ với tư cách là nhà lãnh đạo thế giới. Nhưng để đến được đó là điều không đơn giản.

Đảng Dân chủ chia rẽ

Một chính quyền Joe Biden không chỉ cần khôi phục vị thế quốc tế của Mỹ về biến đổi khí hậu, mà được cho còn phải vật lộn với các nhà tiến bộ bất đồng chính kiến, cũng như các nhà hoạt động muốn Washington hành động nhanh và mạnh hơn, ngay trong đảng Dân chủ.

Chẳng hạn, một nhóm đang thúc đẩy Thỏa thuận Xanh Mới (Green New Deal) - đã nhận được sự ủng hộ của Đại biểu Quốc hội Alexandria Ocasio-Cortez và các đảng viên Dân chủ khác - đã chỉ trích kế hoạch của cựu Phó tổng thống Biden vì thiếu các chi tiết chính sách về giải quyết biến đổi khí hậu.

Hay trong một vòng tranh luận trực tiếp trên truyền hình với ông Trump, ông Biden từng thể hiện mong muốn loại bỏ khai thác dầu để chuyển sang năng lượng tái tạo, nhưng sau đó đính chính tuyên bố của mình rằng ông sẽ giảm thiểu các khoản tiền của chính phủ chảy vào ngành dầu mỏ.

"Chúng tôi sẽ không loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Chúng tôi sẽ xóa bỏ trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch", ứng viên Dân chủ tuyên bố.

Như vậy, mâu thuẫn đã vượt khỏi đảng Dân chủ, khi ông Biden một mặt cần phải cam kết kích thích kinh tế lớn và tạo việc làm trong các ngành công nghiệp tái tạo, nhưng mặt khác ông có thể bị cản trở bởi Quốc hội không muốn hỗ trợ cải cách lớn có thể ảnh hưởng đến ngành dầu khí vào thời điểm nền kinh tế Mỹ đang bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19.

Mỹ đã trở thành nhà sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới và ngành công nghiệp này được báo cáo sẽ mang lại cho nước này 10 triệu việc làm.

Ông Biden hiện chưa tiết lộ chi tiết về chính sách biến đổi khí hậu của mình, bao gồm việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, sẽ như thế nào. Tuy nhiên ông được cho sẽ ủng hộ khí đốt tự nhiên - chiếm 35% sản lượng năng lượng của Mỹ - bất chấp sự phản đối gay gắt từ các nhà hoạt động biến đổi khí hậu.

Cạnh tranh Mỹ - Trung

Trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông Trump đã thổi bùng ngọn lửa cạnh tranh kinh tế trong một cuộc chiến thương mại âm ỉ với Trung Quốc, bao gồm cáo buộc Trung Quốc đã lấy đi công việc sản xuất và công nghệ của người Mỹ.

Vấn đề được cho đã tiếp tục duy trì nỗi lo ngại nơi người dân Mỹ về tình trạng mất việc làm, phản ánh trong xu hướng bỏ phiếu của cuộc bầu cử hôm 3/11 vừa qua. Nhiều cử tri thuộc tầng lớp lao động truyền thống và bị thiệt thòi về kinh tế của Mỹ đã không ủng hộ ông Biden, phá vỡ dự đoán của giới chuyên gia về một "Làn sóng xanh" càn quét của đảng Dân chủ.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã tuyên bố sẽ đặt ra các mục tiêu xanh của riêng mình.

New York Times dẫn lời Todd Stern - cựu đặc phái viên về biến đổi khí hậu dưới thời Tổng thống Obama - nói rằng, Mỹ trước tiên cần phải ưu tiên hành động biến đổi khí hậu từ phía trong nước. "Cần phải chứng minh rằng đây thực sự là một ưu tiên rất cao của chính quyền mới", ông Stern nêu quan điểm.

Điều này có nghĩa, một Tổng thống Biden sẽ phải đối mặt với trận chiến khó khăn để thúc đẩy các cải cách về biến đổi khí hậu ở quê nhà, càng phức tạp khi đảng Cộng hòa có vẻ sẽ giữ quyền kiểm soát Thượng viện.