"Ông lớn" EU vật lộn tìm cách thoát khỏi Vành đai - Con đường

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Nikkei Asia, Chính phủ Italia dưới thời Thủ tướng đương nhiệm Giorgia Meloni đang tìm cách thoát khỏi sáng kiến ​​Vành đai - Con đường của Trung Quốc, sau khi một thỏa thuận đạt được với Bắc Kinh 4 năm trước đây không mang lại nhiều lợi ích kinh tế.

Thủ tướng Italia Giorgia Meloni. Ảnh: AFP
Thủ tướng Italia Giorgia Meloni. Ảnh: AFP

Năm 2019, Italia trở thành quốc gia duy nhất trong Nhóm G7 ký biên bản ghi nhớ với Trung Quốc về hợp tác trong sáng kiến Vành đai - Con đường. Động thái này được thúc đẩy bởi Thủ tướng Italia lúc bấy giờ là Giuseppe Conte - một người vốn mang nhiều hoài nghi đối với Liên minh châu Âu (EU).

Biên bản ghi nhớ hết hạn vào tháng 3/2024 nhưng sẽ tự động gia hạn trừ khi một trong hai bên thông báo ý định rút khỏi thỏa thuận trước ít nhất 3 tháng.

Nền kinh tế lớn thứ 3 EU ban đầu tham gia Vành đai - Con đường với hy vọng thu hút đầu tư từ Trung Quốc và thúc đẩy xuất khẩu sang cường quốc châu Á. Nhưng kết quả, Italia chỉ ghi nhận được 16,4 tỷ euro (17,9 tỷ USD) xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2022, không có quá nhiều cải thiện so với 13 tỷ euro vào năm 2019.

Ngược lại, xuất khẩu của Trung Quốc sang Italia đã tăng lên 57,5 ​​tỷ euro từ 31,7 tỷ euro trong cùng kỳ. Điều này đã mở rộng thâm hụt thương mại của Italia với Trung Quốc. Mặc dù Pháp và Đức không tham gia Vành đai - Con đường, 2 nước này cũng đã chứng kiến ​​xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh.

Các quan chức Chính phủ Italia khó có thể hài lòng với kết quả này. Bộ trưởng Quốc phòng Guido Crosetto thậm chí đã nói trong một cuộc phỏng vấn với một tờ báo Italia hồi tuần trước rằng quyết định ký vào bản ghi nhớ là một "hành động ngẫu hứng và không lường trước được hậu quả".

Hồi tháng 6 năm nay, Ngoại trưởng Italia Antonio Tajani cũng thừa nhận rằng Rome "không có nhiều lợi ích" từ Vành đai - Con đường.

Trong khi đó, các kế hoạch của Trung Quốc tham gia vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Italia đã gây ra nhiều mối lo ngại ở EU. China Communications Construction, một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hiện đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, đã ký một biên bản ghi nhớ vào năm 2019 liên quan đến việc hợp tác phát triển cảng Trieste ở miền Đông Italia.

Cảnh giác với sự trỗi dậy của Trung Quốc, G7 đã nhiều lần thúc giục Italia rút khỏi Vành đai - Con đường. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Meloni được cho cũng đã thảo luận về vấn đề này khi họ gặp nhau ở Washington hôm ngày 27/7.

Hơn nữa, Italia sẽ đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của G7 vào năm 2024. Khi sự thống nhất giữa các nền dân chủ được coi là ngày càng quan trọng, Chính phủ của bà Meloni lo ngại rằng Italia sẽ bị cản trở trong vai trò lãnh đạo quốc tế nếu nước này vẫn liên kết với Vành đai - Con đường.

Nhưng đồng thời, Italia cũng muốn tránh các biện pháp trả đũa kinh tế có thể xảy ra từ Bắc Kinh. Nền kinh tế Italia hiện vẫn đang trì trệ, với GDP trong quý II/2023 chỉ tăng 0,6% so với một năm trước đó. Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) cũng đã xấu đi trong 4 tháng liên tiếp tính đến tháng 7 vừa qua.

Bà Meloni hồi tháng 5 như đã "đánh tiếng" với Bắc Kinh khi nói rằng Italia "có thể có quan hệ tốt" với Trung Quốc mà không cần tham gia Vành đai - Con đường. Tại Mỹ, bà trong một cuộc phỏng vấn với Fox News được phát sóng cuối tuần trước rằng Rome sẽ đưa ra quyết định về việc gia hạn thỏa thuận "trước tháng 12".

Nikkei Asia nhận định, đối với Bắc Kinh, việc để Italia tiếp tục tham gia Vành đai - Con đường là một vấn đề về uy tín. Lưu Kiến Siêu - Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - đã đến thăm Italia vào cuối tháng 6 vừa qua để nói chuyện với Ngoại trưởng Tajani cũng như các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Ông Lưu được cho cũng đã vận động mạnh mẽ để cả 2 bên tiếp tục hợp tác trong Vành đai - Con đường.