Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Ông lớn” niken Nga tìm cách né lệnh trừng phạt của phương Tây

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công ty khai thác mỏ Norilsk Niken của Nga, nhà sản xuất niken lớn nhất thế giới, sẽ mở thêm nhà máy tại Trung Quốc trong bối cảnh Moscow đang chịu áp lực từ các lệnh cấm vận của phương Tây.

Công ty Norilsk Niken sẽ chuyển một số hoạt động sản xuất luyện đồng sang Trung Quốc. Ảnh: RT
Công ty Norilsk Niken sẽ chuyển một số hoạt động sản xuất luyện đồng sang Trung Quốc. Ảnh: RT

Trả lời phỏng vấn hãng tin Interfax đầu tuần này, Giám đốc điều hành (CEO) Norilsk Niken Vladimir Potanin cho biết, công ty sẽ chuyển một số hoạt động sản xuất luyện đồng sang Trung Quốc sau áp lực trừng phạt của các nước phương Tây.

Theo RT, Mỹ và Anh đã nhắm mục tiêu vào nhôm, đồng và niken có nguồn gốc từ Nga trong nỗ lực giảm doanh thu xuất khẩu của Moscow.

“Áp lực từ các lệnh cấm vận buộc chúng tôi phải tìm giải pháp để đưa hàng hóa của mình đến thị trường phân phối một cách hiệu quả nhất”- CEO Potanin nói với Interfax, đồng thời nhấn mạnh rằng “một trong những giải pháp phi tiêu chuẩn này là chuyển một phần sản xuất sang thị trường tiêu dùng trực tiếp”.

Theo chia sẻ của tỷ phú Potanin, Norilsk Nickel dự kiến thành lập một liên doanh ở Trung Quốc để xây dựng một nhà máy mới, dự kiến sẽ được xây dựng vào giữa năm 2027 và được cung cấp khoảng 2 triệu tấn tinh quặng đồng mỗi năm.

Lãnh đạo Norilsk Nickel thông báo thêm rằng sản phẩm cuối cùng sẽ được bán dưới dạng hàng hóa Trung Quốc, vì thế “chúng sẽ khó bị trừng phạt hơn khi sản xuất ở Moscow”.

Sáng kiến này được cho là cũng sẽ bảo vệ hàng xuất khẩu của công ty khỏi áp lực trừng phạt ngày càng tăng đối với các giao dịch tài chính với Nga.

Theo báo cáo gần đây của Bloomberg, nằm trong kế hoạch dần loại bỏ đồng USD khỏi các giao dịch thương mại của Nga, Norilsk Niken đang bán kim loại trên thị trường giao ngay bằng nhân dân tệ với giá kết hợp giữa Sàn giao dịch kim loại London (LME) và Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải.

Ông Potanin cũng nói với Interfax rằng công ty đang tìm cách tiếp cận công nghệ pin của Trung Quốc để mở rộng quy mô sản xuất trong nước.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với RBK TV của Nga, CEO Potanin tiết lộ rằng Norilsk Nickel đang lên kế hoạch tái cơ cấu chuỗi cung ứng và chuyển hướng kinh doanh sang các quốc gia thân thiện như Trung Quốc, Türkiye, Maroc và các nước Ả Rập.

Hiện tại, Trung Quốc đã trở thành điểm đến chính cho xuất khẩu hàng hóa của Nga sau khi phương Tây siết hàng loạt lệnh trừng phạt liên quan đến chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine.

Theo ông Potanin, Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ nguyên liệu thô hàng đầu thế giới, dự kiến sẽ chiếm hơn một nửa doanh số bán kim loại của Norilsk Niken.

Nga hiện chiếm 6% nguồn cung niken toàn cầu, 5% nhôm và 4% đồng. Công ty Norilsk Niken dẫn đầu thế giới về sản xuất niken cao cấp, với thị phần hơn 20%.

Trước đó, hôm 12/4, Washington thông báo cấm nhập khẩu nhôm, đồng và niken có nguồn gốc từ Nga vào Mỹ, đồng thời phối hợp với Anh để ngăn chặn hoạt động buôn bán các kim loại này trên các sàn giao dịch toàn cầu.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Anh đã cấm hoàn toàn việc nhập khẩu đồng, nhôm và niken có nguồn gốc từ Nga. Theo Forbes, hầu hết các nhà phân tích đều đồng ý rằng các lệnh trừng phạt mới sẽ dẫn đến sự gia tăng nguồn cung kim loại của Nga sang Trung Quốc.

Về phần mình, Điện Kremlin mô tả các biện pháp trừng phạt mới như một vũ khí cắt đứt cả hai chiều, đồng thời tuyên bố các hạn chế “bất hợp pháp” sẽ gây phản tác dụng đối với các quốc gia áp đặt chúng.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cáo buộc đây là bước đi phi lý và chính trị hóa". Ông Antonov cảnh báo, lệnh cấm vận này chắc chắn sẽ phản tác dụng.

Theo Đại sứ Antonov, quyết định của Washington "có lẽ dựa trên những tính toán rằng giá hàng hóa sẽ không tăng vọt ở Mỹ", đồng thời lưu ý rằng Mỹ đã giảm nhập khẩu kim loại từ Nga xuống mức tối thiểu. Ông cho rằng, Mỹ đã buộc các công ty phải từ chối những hợp đồng có lợi với các nhà cung cấp đáng tin cậy từ Nga. 

Ông Antonov lưu ý thêm, bằng cách đưa ra các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga, Mỹ đang gửi tín hiệu tới Kiev không đồng ý đàm phán với Moscow.

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, Moscow liên tục bị các nước phương Tây áp đặt hàng ngàn lệnh trừng phạt, trở thành quốc gia bị cấm vận nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, Nga nhiều lần tuyên bố họ đã vượt qua được những thách thức và phương Tây đang gánh chịu hậu quả từ những đòn cấm vận này.