Giới quan sát nhận định rằng chiến lược của Nga ở Trung Đông ngày càng thành công khi các đồng minh của Mỹ trong khu vực tiếp tục cảm thấy không chắc chắn và đôi khi hoài nghi về các cam kết của Mỹ.
Tại Syria, lực lượng quân đội nước này với sự hậu thuẫn của Kremlin trong tuần này đã tăng cường hoạt động để ổn định tình hình tại phía Bắc nước này sau khi quân đội Mỹ rút quân.
Theo một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga công bố đăng trên trang web, các đơn vị cảnh sát Nga đã tuần tra và kết nối liên lạc giữa các lực lượng Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi rút quân khỏi Syria đã làm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực quốc gia Trung Đông này và dường như đã để lại khoảng trống dễ dàng hơn để Nga đủ khả năng lấp đầy.
Giữa bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chiến dịch quân sự ở khu vực biên giới với Syria, lực lượng người Kurd – đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống IS, đã để quân chính phủ của Tổng thống Assad được Nga hậu thuẫn tiến vào khu vực này. Các lực lượng của Tổng thống Assad đang tận dụng việc Mỹ rút quân để nắm lại quyền kiểm soát thị trấn Manbij và các khu vực lân cận - vùng lãnh thổ giàu tài nguyên mà họ bỏ lại cách đây vài năm.
Quyết định rút quân của Washington cũng mang lại lợi ích lớn cho chính phủ Assad thân Moscow, điều này tạo cơ hội để tạo một liên minh mới với lực lượng dân quân người Kurd vừa bị Mỹ “bỏ rơi” hồi cuối tuần trước.
Những diễn biến mới nhất xảy ra trong bối cảnh Moscow quyết định tiếp tục hỗ trợ đồng minh Assad bất chấp sự chỉ trích và trừng phạt quốc tế, và Nga lại là nước duy nhất sẵn sàng và có thể bảo vệ người Kurd tại vùng Đông Bắc Syria khỏi chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi chính quyền Mỹ đang bị đánh giá đã “phản bội” đồng minh người Kurd (YPG), Nga dường như có thể là một đồng minh đáng tin cậy duy nhất của lực lượng này giữa lúc chiến sự leo thang tại biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.
Cũng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Trung Đông, Tổng thống Putin đã có chuyến thăm cấp nhà nước đến hai quốc gia quan trọng tại vùng Vịnh - Ả Rập Saudi hôm 14/10 và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) sau đó 1 ngày.
Tại Ả Rập Saudi - một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Trung Đông, Tổng thống Nga đã được chào đón nồng nhiệt trong chuyến thăm đầu tiên tới vương quốc này trong hơn một thập kỷ. Điện Kremlin gọi đây là "chuyến thăm đáp lễ" sau khi Quốc vương Salman của Ả Rập Saudi thăm Moscow hồi năm 2017, nhằm đẩy mạnh mối quan hệ giữa 2 nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới.
Đó là một "quan hệ đối tác tự nhiên", một quan chức Nga phát biểu trước thềm chuyến thăm Riyadh của Tổng thống Putin. "Các nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới cần hợp tác chặt chẽ để ổn định thị trường năng lượng" - quan chức này nói thêm.
Bên cạnh đó, tầm quan trọng của mối quan hệ hữu nghị Nga - Saudi không chỉ giới hạn trong lĩnh vực dầu mỏ.
Phát biểu sau cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Nga, Quốc vương Salman cho biết ông đánh giá cao "vai trò hiệu quả của Nga trong khu vực và trên toàn thế giới", theo cơ quan truyền thông của Saudi.
Các hãng thông tấn nhà nước Ả Rập Saudi đánh giá chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Putin là tính toán khéo léo của Nga, khẳng định vị thế của Moscow tại khu vực Trung Đông. Đó cũng là mục tiêu mà ông Putin đã cố gắng hết mình để có được trong nhiều năm qua.
Trong chuyến thăm lần này của Tổng thống Putin, Nga và Ả Rập Saudi đã ký kết 20 thỏa thuận hợp tác, trong đó đáng chú ý nhất là thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực sản xuất dầu mỏ và hàng không vũ trụ.
Theo giới phân tích chính trị quốc tế, mối quan hệ nồng ấm giữa Nga và Ả Rập Saudi cũng có thể được coi là lời “đánh tiếng” từ vương quốc dầu mỏ gửi đến Mỹ.
Trên thực tế, Ả Rập Saudi vẫn là một đồng minh thân thiết của Mỹ trong khu vực, khi trong tháng 9 vừa qua, chính quyền Washington đã tuyên bố triển khai thêm 3.000 binh sĩ tới nước này để tăng cường phòng thủ trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Iran.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Ả Rập Saudi cho biết, những lời chỉ trích từ giới lập pháp Mỹ liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi trong năm ngoái, và quan ngại về cam kết của Washington đối với khu vực đang khiến Riyadh chuyển hướng tìm những đối tác khác đáng tin cậy hơn và ít phán xét hơn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 15/10 tiếp tục chuyến công du Trung Đông, bắt đầu thăm chính thức UAE. Tại đây, hai bên đã ký kết các thỏa thuận thương mại trị giá 1,4 tỷ USD trên các lĩnh vực bao gồm năng lượng, giao thông, văn hóa, công nghệ cao và y tế. Đây cũng là chuyến thăm chính thức lần thứ 2 tới UAE của Tổng thống Nga kể từ năm 2007.
Chuyến công du vùng Vịnh của Tổng thống Putin từ ngày 14 - 15/10 không chỉ nhằm tăng cường hợp tác với 2 quốc gia chủ chốt ở Trung Đông là Ả Rập Saudi và UAE trong vấn đề điều tiết thị trường dầu mỏ, mà còn khẳng định uy tín và vị thế của Nga như một đối tác quan trọng không thể thiếu ở Trung Đông.
Và cũng giống như ở miền bắc Syria, Nga đã sẵn sàng tăng sự hiện diện của Moscow một cách mạnh mẽ nhất tại các nước vùng Vịnh.