Ông Putin ra lệnh tiến quân vào vùng Donbasss, chứng khoán châu Á lao dốc

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm mạnh trong phiên sáng ngày 22/2 trong bối cảnh căng căng thẳng Nga-Ukraine leo thang.

Cổ phiếu tại thị trường châu Á lao dốc trong phiên ngày 22/2.
Cổ phiếu tại thị trường châu Á lao dốc trong phiên ngày 22/2.

Cổ phiếu tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương lao dốc ngay đầu phiên giao dịch ngày thứ Ba khi nhà đầu tư gia tăng lo ngại về khủng hoảng giữa Nga và Ukraine.

Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 mất 2% ngay đầu phiên và thu hẹp ở cuối phiên sáng về mức 1,66%. Trong khi đó, chỉ số Topix sụt 1,33%. Chỉ số Kospi trên thị trường Hàn Quốc cũng hạ 1,2%.

Chỉ số Hang Seng của sàn giao dịch Hồng Kông (Trung Quốc) lao dốc 1,55%. Chỉ số tổng hợp Thượng Hải trên thị trường Trung Quốc sụt 0,73% và chỉ số thành phần Thâm Quyến giảm 1,08%.

Tại các thị trường khác cũng đều ghi nhận phiên giao dịch ảm đạm với chỉ số S&P/ASX 200 của Australia giảm 0,71%. Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương (không tính thị trường Nhật Bản) cũng mất 1,07%.

Trong phiên giao dịch này, căng thẳng Nga-Ukraine leo thang sau tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận độc lập hai vùng ly khai ở Donbass, miền Đông Ukraine đã khiến thị trường tài chính tiếp tục chao đảo.

Các chỉ số tương lai đã rơi mạnh trong phiên sáng ngày 22/2 (giờ Việt Nam), với Dow Jones sụt 494 điểm, tương đương 1,45%; S&P 500 mất 1,71% và Nasdaq giảm 2,3%, không lâu sau khi nhận tin Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông đã phê duyệt sắc lệnh công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine là Donetsk và Luhansk. 

Các chỉ số tương lai của Phố Wall đồng loạt lao dốc trong bối cảnh căng thẳng Nga – Ukraine tiếp tục leo thang.
Các chỉ số tương lai của Phố Wall đồng loạt lao dốc trong bối cảnh căng thẳng Nga – Ukraine tiếp tục leo thang.

Phố Wall nghỉ giao dịch trong phiên ngày thứ Hai (21/2) nhân dịp ngày Tổng thống.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/2 thông báo công nhận độc lập với hai vùng ly khai ở Ukraine, có thể ảnh hưởng đến các cuộc họp thượng đỉnh với người đồng cấp Mỹ Joe Biden. Tổng thống Biden dự kiến áp lệnh trừng phạt với hai vùng ly khai ở Ukraine cũng như Nga. Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ có biện pháp trừng phạt bổ sung.

Tổng thống Putin sau đó chỉ đạo Bộ Quốc phòng Nga triển khai quân tới hai khu vực này để "gìn giữ hòa bình", nhưng chưa rõ quy mô và thời điểm lực lượng này bắt đầu nhiệm vụ.

Thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh Nhà Trắng ngày 20/2 cho biết Tổng thống Biden đã đồng ý “về nguyên tắc” gặp người đồng cấp Putin nhằm hạ nhiệt tình hình Nga–Ukraine bằng con đường ngoại giao. Cuộc gặp thượng đỉnh sẽ diễn ra sau cuộc gặp giữa ngoại trưởng Nga và Mỹ.

Căng thẳng Ukraine gây áp lực đáng kể đến tâm lý thị trường gần đây. Kết thúc tuần trước, Dow Jones giảm 1,9%, S&P 500 giảm 1,6% còn Nasdaq giảm 1,8%.

Nhà đầu tư còn thận trong khi Cục Dự trữ Liêng bang Mỹ (FED) dự kiến tăng lãi suất từ tháng 3 tới. Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường hiện kỳ vọng 100% FED tăng lãi suất sau cuộc họp ngày 15-16/3.

“Giới đầu tư đang hướng sự quan tâm đến FED. Thị trường đang kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất tại hầu hết các cuộc họp chính sách trong năm nay. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đánh giá chính sách tiền tệ lúc này là thuận lợi vì FED vẫn tiếp tục mua vào trái phiếu chính phủ Mỹ," chiến lược gia đầu tư Ryan Grabinski của Strategas nhận định.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2021 tiếp tục với hơn 400 công ty trong S&P 500 đã công bố lợi nhuận, 77,7% số này vượt kỳ vọng, theo FactSet.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần