Ông Trump bất ngờ cách chức Cố vấn An ninh Quốc gia
Kinhtedothi - Việc Tổng thống Trump sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz phản ánh những bất đồng sâu sắc trong chiến lược đối ngoại và đánh dấu sự tái sắp xếp quyền lực trong bộ máy an ninh Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày thứ Năm đã thực hiện đợt cải tổ nhân sự cấp cao đầu tiên trong nhiệm kỳ mới, khi ông quyết định sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và giao Ngoại trưởng Marco Rubio tạm thời đảm nhiệm vị trí này.
Động thái diễn ra trong bối cảnh Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) đang chứng kiến những biến động lớn, với hàng loạt nhân sự bị thay thế chỉ trong vài tuần gần đây.

Việc Tổng thống Trump sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz phản ánh những bất đồng sâu sắc trong chiến lược đối ngoại và đánh dấu sự tái sắp xếp quyền lực trong bộ máy an ninh Nhà Trắng. Ảnh: Facebook của Mike Waltz
Thông báo được Tổng thống Trump đưa ra trên nền tảng truyền thông xã hội, kèm theo quyết định đề cử ông Waltz làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Ông đánh giá cao quá trình cống hiến của ông Waltz, từ chiến trường, Quốc hội đến vị trí cố vấn an ninh. Tuy vậy, quyết định thay thế diễn ra sau nhiều chỉ trích liên quan đến vụ rò rỉ thông tin nhạy cảm về chiến dịch không kích của Mỹ tại Yemen thông qua ứng dụng Signal.
Sự thay đổi diễn ra nhanh đến mức người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tammy Bruce biết tin ngay trong cuộc họp báo trực tiếp, khi một phóng viên đưa ra câu hỏi. Bà xác nhận thông tin và nhận định ông Rubio là người từng đảm nhiệm nhiều vai trò cùng lúc, có sự tin tưởng rộng rãi từ tổng thống.
Việc ông Rubio kiêm nhiệm chức Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh Quốc gia khiến nhiều người liên tưởng đến thời kỳ của ông Henry Kissinger. Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết luôn tìm đến ông Rubio khi cần giải quyết vấn đề và tin rằng ông sẽ xử lý hiệu quả trong giai đoạn hiện tại.
Nội bộ chính quyền cho biết Tổng thống Trump muốn chờ sau mốc 100 ngày trong nhiệm kỳ để thực hiện thay đổi nhân sự cấp cao. Dù từng bảo vệ ông Waltz sau vụ lộ tin tức từ nhóm chát Signal (nhóm dành riêng cho lãnh đạo cấp cao do Mike Waltz tạo), ông Trump dần mất kiên nhẫn với cách điều hành bị cho là cứng nhắc và thiếu sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan.
Sự cố Signal càng làm gia tăng áp lực. Trong cuộc họp Nội các gần đây, ông bị phát hiện sử dụng ứng dụng này trên điện thoại, có khả năng để lộ các cuộc trò chuyện với các quan chức cấp cao, trong đó có Phó Tổng thống JD Vance và Giám đốc Tình báo Tulsi Gabbard.
Dù Nhà Trắng khẳng định Signal là ứng dụng đã được phê duyệt, ông Trump sau đó phát biểu không khuyến khích sử dụng phần mềm này trong các trao đổi nhạy cảm. Ông cho rằng tất cả đã rút ra bài học từ vụ việc và nhấn mạnh mong muốn tăng cường an toàn thông tin trong nội bộ chính phủ.
Những khác biệt quan điểm trong chính sách đối ngoại, đặc biệt về cách tiếp cận các liên minh truyền thống, cũng khiến ông Waltz không còn phù hợp với định hướng của tổng thống.
Tháng Tư vừa qua, ít nhất 20 nhân sự thuộc NSC đã bị sa thải, trong đó có cả giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia và nhiều cố vấn cấp cao. Những người bị loại bỏ phần lớn là chuyên gia kỳ cựu, không thể hiện sự đối đầu với tổng thống, khiến các đồng nghiệp tỏ ra bối rối và lo lắng. Theo nguồn tin từ nội bộ, cuộc "thanh lọc" bắt đầu sau một cuộc gặp tại Nhà Trắng, nơi ông Trump được cung cấp danh sách những người bị nghi ngờ là không trung thành.
Waltz bị cho là không thể ngăn chặn tình trạng mất ổn định tại NSC, cũng như không bảo vệ đội ngũ nhân viên khi nhiều người bị buộc rời khỏi vị trí mà không có thông báo trước.
Phó Tổng thống JD Vance cho biết Waltz đã hoàn thành nhiệm vụ cải tổ NSC và giờ là lúc phù hợp để chuyển sang vai trò ngoại giao. Ông đánh giá cao năng lực của Waltz và tin rằng ông sẽ là đại sứ hiệu quả tại Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, vị trí này cần được Thượng viện thông qua và dự kiến Waltz sẽ phải đối mặt với nhiều câu hỏi trong quá trình điều trần.
Chiếc ghế đại sứ tại Liên Hợp Quốc hiện vẫn bỏ trống sau khi ông Trump rút đề cử bà Elise Stefanik để đảm bảo tỷ lệ phiếu của đảng Cộng hòa tại Hạ viện. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth - người cũng liên quan đến vụ Signal - vẫn giữ được sự tin tưởng của tổng thống.
Đọc thêm: Thượng viện Mỹ bác dự luật hạn chế thuế quan của ông Trump
Việc ông Rubio tạm thời đảm nhận vai trò kép đánh dấu bước đi cho thấy tổng thống tiếp tục củng cố quyền lực trong nội các bằng cách đặt niềm tin vào những người thân cận nhất trong bối cảnh chính sách an ninh quốc gia đang trải qua nhiều thử thách.

Doanh nghiệp Mỹ lao đao vì thuế, chuỗi cung ứng chao đảo
Kinhtedothi - Các mức thuế mới mà Tổng thống Trump áp đặt đang đẩy nhiều doanh nghiệp Mỹ vào thế khó, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và đẩy chi phí sản xuất tăng mạnh.

Mỹ áp thuế 46% lên hàng hoá Việt Nam, cách nào giảm sốc cho doanh nghiệp?
Kinhtedothi - Việc Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam là thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, đa dạng hóa thị trường, cải thiện chuỗi cung ứng, thúc đẩy đàm phán thương mại và hỗ trợ DN là những giải pháp cốt lõi giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn này.

Doanh nghiệp toàn cầu xoay xở trước làn sóng thuế quan mới của Mỹ
Kinhtedothi - Các tập đoàn trên thế giới đang đối mặt với tình trạng bất định chưa từng có khi chính quyền Mỹ tuyên bố áp thuế quan mới lên hàng loạt mặt hàng nhập khẩu.