Ông Trump cấm người Mỹ đầu tư vào công ty liên quan đến quân đội Trung Quốc

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống đương nhiệm Donald Trump vừa ký một lệnh hành pháp cấm người Mỹ đầu tư vào các công ty Trung Quốc mà chính quyền cho rằng thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của quân đội Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump.
Theo sắc lệnh của Tổng thống Trump, dự kiến có hiệu lực kể từ ngày 11/1/2021, các nhà đầu tư Mỹ sẽ bị cấm sở hữu hoặc giao dịch bất kỳ chứng khoán nào có nguồn gốc hoặc tiếp xúc với hơn 30 công ty Trung Quốc, mà Washington nói rằng đang "cho phép sự phát triển và hiện đại hóa" quân sự của Trung Quốc, đồng thời "trực tiếp đe dọa" an ninh Mỹ.

Điều này cũng bao gồm các quỹ hưu trí hoặc sở hữu cổ phần trong các công ty đó đều bị cấm. Các nhà đầu tư sẽ có thời hạn đến tháng 11/2021 để thoái vốn khỏi các công ty.

Nhà sản xuất điện thoại thông minh Huawei và Hikvision - một trong những nhà sản xuất và cung cấp thiết bị giám sát lớn nhất thế giới, đều nằm trong "danh sách đen". Một số công ty khác được liệt kê, bao gồm China Telecom và China Mobile, cũng đang giao dịch trên Thị trường Chứng khoán New York.

Cổ phiếu của Hikvision đã giảm hơn 4% trong phiên giao dịch sáng sớm tại Thâm Quyến vào thứ Sáu, trước khi tăng trở lại. Cổ phiếu của China Telecom (CHA) giảm 9,3% và China Mobile (CHL) giảm 6,1% tại Hongkong.

Hikvision hôm nay (13/11) nói rằng quyết định chống lại công ty này là "vô căn cứ", một lần nữa khẳng định "Hikvision không phải là công ty quân sự Trung Quốc".

"Những hành động trừng phạt chống lại công ty không làm cho nước Mỹ, hay thế giới, an toàn hơn", CNN dẫn lời đại diện Hikvision cho biết.

Sắc lệnh hành pháp mới nhất của Tổng thống Trump được đưa ra khi các cuộc chiến thương mại và công nghệ đang nóng lên giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, được cho phù hợp với những gì giới quan sát đã dự đoán, trong bối cảnh chuyển giao quyền lực tại Nhà Trắng vẫn còn nhiều khúc mắc sau cuộc bầu cử Tổng thống hôm 3/11 vừa qua

"Bắc Kinh sẽ phải đề phòng chính quyền Trump thực hiện một số hành động chia tay cứng rắn với Trung Quốc, đặc biệt là các hành động chống lại các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc", Paul Triolo, người đứng đầu bộ phận công nghệ địa lý của tập đoàn tư vấn Eurasia, viết trong một ghi chú hồi tuần trước, "nhưng Trung Quốc nói chung sẽ kiềm chế trong các biện pháp trả đũa để không làm tổn hại quan hệ trước khi Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden nhậm chức vào ngày 20/1".

Trong một diễn biến khác, các cơ quan thuộc Chính phủ Mỹ đã cùng lúc đưa ra loạt thông điệp mâu thuẫn về lệnh cấm TikTok, khiến tương lai của ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng của Trung Quốc tại Mỹ trở nên bấp bênh.

Ngay trước thời khắc lệnh cấm - được đưa ra hồi tháng 8 - có hiệu lực, Bộ Thương mại Mỹ hôm 12/11 cho biết sẽ tạm dừng việc thực thi lệnh cấm TikTok, thể theo phán quyết được đưa ra hôm 30/10 của một Tòa án quận ở quận Đông Pennsylvania. Tuy nhiên cùng ngày, Bộ Tư pháp Mỹ lại kháng cáo phán quyết này.

Trong khi đó, Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ ở Washington vừa đặt ra thời hạn mới vào tháng 12 cho ByteDance - công ty mẹ của TikTok - và chính quyền Trump, để nộp tài liệu trong một vụ án liên quan đến lệnh thoái vốn, trong đó Chính phủ Mỹ buộc ByteDance bán TikTok để có thể tiếp tục hoạt động ở nước này.

Tổng thống Trump trước đó cho rằng, TikTok gây lo ngại về an ninh quốc gia vì dữ liệu cá nhân của 100 triệu người Mỹ sử dụng ứng dụng này có thể bị chính phủ Trung Quốc thu giữ. TikTok phủ nhận các cáo buộc.

ByteDance được cho đã đàm phán về một thỏa thuận với 2 tập đoàn Walmart và Oracle để chuyển tài sản của TikTok tại Mỹ thành một thực thể mới có tên là TikTok Global - chịu trách nhiệm kiểm duyệt nội dung và xử lý dữ liệu người dùng Mỹ của TikTok. Phương án này dự kiến sẽ được đệ trình chính thức vào hôm nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần