Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ông Trump quyết cải cách thuế: DN Mỹ được hay mất?

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kế hoạch cắt giảm mạnh thuế DN là dấu ấn lớn trong giai đoạn 100 ngày cầm quyền của Tổng thống Donald Trump.

Kế hoạch giảm mạnh thuế DN và khuyến khích các công ty Mỹ đưa lợi nhuận cất giữ ở nước ngoài về nước sắp được triển khai được xem là chương trình cải tổ thuế lớn nhất của Mỹ kể từ năm 1986. 
Lo ngại thâm hụt ngân sách
Tổng thống Donald Trump đã công bố chính sách thuế mới. Theo đó, giảm thuế DN từ 35% xuống 15% với kỳ vọng người dân và DN Mỹ sẽ tăng cường chi tiêu, mở rộng nền kinh tế và số lượng việc làm. Bên cạnh đó, mức giảm trừ thuế có khả năng tăng lên 6.300 USD/cá nhân và 12.600 USD/cặp vợ chồng.  Đây cũng là một trong những nội dung lo ngại gây thâm hụt ngân sách Mỹ.
Ví dụ, một cặp vợ chồng trong diện giảm trừ có thu nhập tổng cộng 70.000 USD thì mức thu nhập bị đánh thuế sẽ được trừ 12.600 USD còn 57.000 USD; đồng nghĩa thu nhập từ thuế của chính phủ bị giảm. Đảng Cộng hòa của ông Trump dự định sẽ dùng cuộc đàm phán ngân sách để thông qua cải tổ thuế, đồng nghĩa với việc chỉ cần đa số phiếu để dự luật được thông qua.
 Tổng thống Donald Trump tuyên bố cải cách thuế.
Trong khi đó, gần như toàn bộ phe Dân chủ có thể sẽ phản đối dự luật này. Hầu hết các phân tích dự báo kế hoạch sẽ khiến thâm hụt ngân sách Mỹ phình to do giảm thu ngân sách từ thuế nhưng chính quyền ông Trump lập luận tăng trưởng kinh tế được đẩy mạnh nhờ kế hoạch sẽ giúp bù đắp khoản thu ngân sách hao hụt.
Giới chức Nhà Trắng bao gồm Phó Tổng thống Mike Pence hôm 25/4 tuyên bố dự định rà soát toàn bộ mã số thuế của Mỹ và úp mở rằng, việc thay đổi quy định mã số thuế có thể bù đắp lượng ngân sách hao hụt. Các thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội dù hoan nghênh nỗ lực cải cách thuế của ông Trump, nhưng vẫn không loại trừ rủi ro. Thượng nghị sỹ Sherrod Brown, đại diện bang Ohio khẳng định, mức thuế DN ở 15% sẽ để lại “lỗ hổng lớn” trong ngân sách liên bang và chính quyền ông Trump sẽ buộc phải có động thái bù đắp khác như áp dụng thuế biên giới hay bỏ giảm trừ lãi suất thế chấp.
Doanh nghiệp Mỹ được hay mất?
Dù bao gồm nội dung cắt giảm thuế, dự luật của ông Trump vẫn vấp phải luồng ý kiến trái ngược trong cộng đồng DN nước này. Được lợi nhất là các DN thuộc lĩnh vực bán lẻ, xây dựng và dịch vụ, vốn từ trước tới nay không được lợi thế theo chính sách hiện tại. Trong khi đó, các DN công nghệ, vật tư, dược và đặc biệt là sản xuất xăng dầu nội địa bị mất lợi thế. Họ vốn tận dụng được lỗ hổng trong chính sách thuế hiện tại để giảm trừ mức thanh toán lãi suất, chi phí thiết bị và nghiên cứu, cũng như chuyển lợi nhuận cho các thực thể ở nước ngoài nơi có thuế suất thấp hơn.

Nghiên cứu năm 2016 của Giáo sư Aswath Damodaran, Đại học New York cho thấy, trung bình, các DN Mỹ thuộc lĩnh vực kỹ thuật, xây dựng, phân phối thực phẩm và xuất bản phải trả mức thuế khoảng 34%, trong khi con số đó của các DN xăng dầu và khí đốt chỉ ở 7-8%. Cơ chế hiện nay tạo điều kiện “né” thuế thuận lợi hơn cho DN “vàng đen”, như cho phép các công ty dầu khí giảm trừ thu nhập đóng thuế bởi mặt hàng này được liệt vào danh sách tài nguyên thiên nhiên. Theo kế hoạch cải cách của ông Trump, hầu hết các lỗ hổng trong hệ thống thuế vụ Mỹ sẽ được siết chặt, để đổi lại mức thuế suất DN thấp. Do đó, một khi được triển khai, chương trình cải cách của ông Trump sẽ không chỉ gây lo ngại thâm hụt ngân sách liên bang mà còn khiến các DN xăng dầu Mỹ nao núng.