OPEC+ giảm mạnh sản lượng
Theo CNBC, hội nghị bộ trưởng các nước OPEC+ diễn ra tại Vienna (Áo) ngày 5/10 đã thống nhất việc sẽ cắt giảm sản lượng dầu khoảng 2 triệu thùng/mỗi ngày kể từ tháng 11 tới. Con số này tương đương với khoảng 2% nhu cầu dầu toàn cầu.
Động thái trên diễn ra bất chấp sức ép từ Mỹ và nhiều nước tiêu thụ khác yêu cầu tăng sản lượng dầu. Đây là mức giảm sản lượng lớn nhất của OPEC+ kể từ sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Theo giới phân tích, quyết định tăng mạnh sản lượng chứng tỏ ý định của OPEC+ là giữ giá ở mức cao sau khi trải qua 7 năm giá thấp.
Việc giảm mạnh sản lượng dầu mỏ của OPEC+ có thể khiến giá dầu tăng trở lại. Trước đó, giá dầu đã giảm từ mức 120 USD/thùng hồi đầu tháng 6 xuống quanh mức hơn 80 USD/thùng do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, lãi suất Mỹ tăng và đồng USD tăng giá.
Rohan Reddy - giám đốc đầu tư của Global X ETFs, nói với đài CNBC rằng quyết định tăng sản lượng của OPEC+ có thể giúp giá dầu phục hồi trở lại mức 100 USD/thùng nếu dịch Covid-19 không diễn biến phức tạp hơn và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không bất ngờ tăng mạnh lãi suất.
Ngay sau thông báo giảm sản lượng của OPEC+, giá dầu Brent đã tăng khoảng 1,1%, lên 92,82 USD/thùng trong phiên giao dịch chiều 5/10. Giá dầu WTI của Mỹ cũng đã leo lên 87,37 USD/thùng, cao hơn gần 1%, theo trang CNBC.
Từ năm 2021, nhóm OPEC+ bắt đầu tăng sản lượng sau khi nhu cầu trên thị trường phục hồi. Tuy nhiên, một số thành viên phải chật vật để đạt chỉ tiêu tăng sản lượng. Đến tháng 9 vừa qua, sau hơn 1 năm, lần đầu tiên OPEC+ lại quyết định cắt giảm sản lượng nhưng chỉ là một động thái tượng trưng với mức cắt giảm là 100.000 thùng/ngày từ tháng 10.
Cuộc họp chính sách sản lượng tiếp theo của OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 4/12.
Nhà Trắng thất vọng
Trong thông báo đưa ra ngày 5/10, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden thất vọng trước quyết định thiển cận của OPEC+ trong việc cắt giảm nguồn cung giữa lúc nền kinh tế toàn cầu đang đối phó với tác động tiêu cực của xung đột Nga-Ukraine”.
“Chính quyền Tổng thống Biden cũng sẽ tham khảo ý kiến của Quốc hội về các công cụ và cơ quan chức năng bổ sung để giảm bớt sự kiểm soát của OPEC+ đối với giá năng lượng” - thông báo của Nhà Trắng nêu rõ.
Theo Nhà Trắng, Tổng thống đã chỉ đạo Bộ Năng lượng cung cấp thêm 10 triệu thùng từ kho Dự trữ Dầu Chiến lược vào tháng tới, theo CNBC.
Trước đó, Washington đã cố gắng ngăn chặn việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ. Điều này có thể tác động tiêu cực đến đảng Dân chủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Vào tháng 7, ông Biden đã đến Ả Rập Saudi nhưng không đạt được bất kỳ cam kết hợp tác vững chắc nào về năng lượng.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc họp chính sách ở Vienna , Tổng thư ký OPEC Haitham Al Ghais đã lên tiếng bảo vệ quyết định giảm mạnh sản lượng của OPEC+ khi nói rằng nhóm này đang nỗ lực tìm cách ổn định thị trường năng lượng thế giới.
Theo hãng tin RT, hầu hết các quan chức từ các quốc gia thành viên OPEC+ cho biết bất kỳ quyết định cắt giảm sản lượng nào đều là “quyết định kỹ thuật không phải chính trị”.
Phát biểu tại cuộc họp chính sách ở Vienna,ông Suhail Al Mazrouei, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) nói rằng, OPEC+ là một “tổ chức kỹ thuật”, khi được hỏi liệu quan hệ Mỹ-UAE có nguy cơ bị tổn hại vì đề xuất này hay không.