Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

OPEC+ sẽ “bơm” mạnh dầu mỏ ra thị trường trước sức ép từ Mỹ?

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - OPEC+ đã phát tín hiệu hiện chưa cần thiết phải điều chỉnh chính sách sản lượng mặc dù cuộc xung đột Nga-Ukraine đang đe dọa làm gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ gần đây.

Liên minh OPEC+ được dự đoán sẽ đặt mục tiêu chỉ tăng nhẹ sản lượng từ tháng 5 tới. Ảnh: CNBC
Liên minh OPEC+ được dự đoán sẽ đặt mục tiêu chỉ tăng nhẹ sản lượng từ tháng 5 tới. Ảnh: CNBC

Dự kiến, các bộ trưởng năng lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, dẫn đầu là Nga (còn được gọi là nhóm OPEC+)  sẽ có cuộc gặp trực tuyến vào ngày 31/3 để quyết định các bước đi tiếp theo trong chính sách sản lượng. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh OPEC+ đang chịu áp lực mới về tăng nguồn cung dầu mỏ sau khi các Bộ trưởng năng lượng của nhóm các nước G7 cho rằng OPEC "có vai trò quan trọng" trong việc xoa dịu căng thẳng thị trường dầu mỏ.

Tuy nhiên, Reuters đưa tin, một số nguồn tin thân cận với OPEC tiết lộ rằng tại cuộc họp vào giữa tuần này, liên minh OPEC+ có thể sẽ vẫn giữ kế hoạch tăng sản lượng dầu ở mức khiêm tốn trong tháng 5 tới, mặc dù giá dầu tăng kỷ lục do chiến sự tại Ukraine cũng như lời kêu gọi tăng mạnh nguồn cung từ Mỹ và một số nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới.

OPEC+ đã tăng mục tiêu sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng kể từ tháng 8/2021. Một số quốc gia, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đã kêu gọi các nhà sản xuất tăng sản lượng dầu nhiều hơn khi giá dầu thô tăng, đạt mức cao nhất kể từ năm 2008 trong tháng này là hơn 139 USD/thùng. Tuy nhiên, các thành viên chủ chốt của OPEC như Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã từ chối tăng sản lượng của mình.

Phát biểu tại hội nghị năng lượng ở Dubai hôm 28/3, Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail Al-Mazrouei khẳng định: “Chúng tôi sẽ không tăng mạnh sản lượng dầu mỏ ra thị trường bất chấp những cảnh báo về tình trạng gián đoạn nguồn cung từ Nga liên quan đến căng thẳng địa chính trị”.

Theo nguồn tin Reuters, từ ngày 1/5/2022, mức tăng mục tiêu hàng tháng của OPEC+ có thể sẽ tăng nhẹ lên 432.000 thùng/ngày. Sự gia tăng này không phải là do nhượng bộ đối với lời kêu gọi của các nước tiêu thụ yêu cầu tăng thêm dầu, mà được đưa ra sau khi có sự tính toán lại nội bộ về mức sản lượng tham chiếu, với mức sản lượng cơ sở cao hơn đối với Ả Rập Saudi, Nga, Iraq, UAE và Kuwait.

Ngoài ra, một số nguồn tin từ OPEC+ nói với Reuters rằng việc Ả Rập Saudi không sẵn sàng đồng ý một mức tăng sản lượng dầu lớn hơn cũng phản ánh mục đích của họ là không muốn làm ảnh hưởng tới sự hợp tác về chính sách dầu mỏ với Nga.

Ngay trước thềm cuộc họp chính sách, các bộ trưởng năng lượng của Ả Rập Saudi và UAE ngày 29/3 tuyên bố nhóm OPEC+ sẽ không can dự vào các vấn đề chính trị, đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng liên minh này vẫn có thể hoạt động mà không có Nga.

Phát biểu với CNBC hôm 29/3, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman nói rằng OPEC luôn đặt sang một bên những khác biệt chính trị khi các bộ trưởng của khối gặp nhau và OPEC+ cũng hành động như vậy. Bộ trưởng Abdulaziz lưu ý thêm rằng Nga là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn với sản lượng khoảng 10 triệu thùng/ngày, chiếm 10% lượng tiêu thụ của thế giới. Với sản lượng khí đốt rất đáng kể, Nga cũng có vai trò chủ chốt trên thị trường năng lượng toàn cầu. Nếu OPEC+ không có Nga, thế giới sẽ không có một thị trường năng lượng bền vững trong bối cảnh biến động hiện nay và liên minh này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức tồi tệ.

Các lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt đối với Nga do vấn đề Ukraine đã làm gián đoạn nguồn cung và đẩy giá dầu lên gần 140 USD/thùng, mức cao nhất trong khoảng 14 năm qua. Giá dầu tiếp tục tăng hơn 2% trong phiên giao dịch ngày 30/3 do nguồn cung bị thắt chặt và gia tăng lo ngại phương Tây tiếp tục siết các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột quân sự tại Ukraine. Cụ thể, giá dầu Brent tăng thêm 2,6 USD, tương đương 2,4% lên mức 112,81 USD/thùng sau khi sụt 2% trong phiên trước đó. Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ cũng tăng 2,7 USD, tương đương 2,5%, đạt mức 106,84 USD/thùng, đảo ngược mức giảm 1,6% trong phiên ngày 29/3.