Theo Reuters, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, sẽ xem xét liệu có cắt giảm thêm sản lượng dầu mỏ trong cuộc họp vào cuối tháng này hay không, sau khi giá dầu giảm gần 20% kể từ cuối tháng 9.
Giá dầu Brent đã giảm xuống quanh mốc 80 USD/thùng sau khi chạm mức cao nhất trong năm lên gần 98 USD/thùng vào cuối tháng 9 vừa qua.
Giá “vàng đen” cũng vừa chứng kiến tuần thứ 4 lao dốc liên tiếp ngay cả sau khi OPEC khẳng định các yếu tố cơ bản của thị trường dầu mỏ vẫn mạnh mẽ và giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 tương đối cao.
Chốt phiên ngày 17/11, giá dầu Brent được giao dịch ở 80,61 USD/thùng, còn giá dầu WTI được bán với mức 75,89 USD/thùng. Cả hai hợp đồng này đều đã mất khoảng 1/6 giá trị của mình trong 4 tuần lao dốc vừa qua.
Đà sụt giảm của giá dầu trong tuần này chủ yếu là do tồn kho dầu thô của Mỹ tăng mạnh và sản lượng duy trì ở mức kỷ lục, trong khi các dấu hiệu cho thấy nhu cầu ngày càng giảm sút ở Trung Quốc cũng gây lo ngại. Theo Chủ tịch Andrew Lipow của Lipow Oil Associates, tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ từ Trung Quốc không được như mong đợi.
Trong một loạt động thái nhằm hỗ trợ giá dầu bắt đầu từ cuối năm 2022, nhóm OPEC+ đã quyết định giảm tổng cộng 5,16 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 5% nhu cầu nhiên liệu trên toàn cầu. Việc cắt giảm nguồn cung bao gồm 3,66 triệu thùng/ngày của OPEC+ và các đợt cắt giảm tự nguyện bổ sung của Ả Rập Saudi và Nga.
Nguồn tin từ Reuters cho biết, các biện pháp hạn chế nguồn cung hiện tại dường như là không đủ để hỗ trợ giá dầu và nhiều khả năng OPEC+ sẽ cân nhắc giảm sâu sản lượng tại các cuộc thảo luận về chính sách vào cuối tháng này.
Một trong những nguồn tin của OPEC+ nói với Reuters: “Các bộ trưởng OPEC+ chắc chắn không an tâm trước những rủi ro với triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ, dù các yếu tố cơ bản nhìn chung vẫn vững chắc. Họ sẽ thảo luận về các giải pháp nhằm đảm báo xu hướng ổn định của thị trường”.
Theo kế hoạch, các bộ trưởng năng lượng của OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 26/11 tới. Liên minh dầu mỏ do Ả Rập Saudi và Nga dẫn đầu đã thống nhất kế hoạch hạn chế nguồn cung 3,66 triệu thùng/ngày vào năm 2024 trong cuộc họp vào tháng 6.
Lo ngại về nhu cầu suy yếu và khả năng dư thừa nguồn cung vào năm tới đã gây áp lực lên giá dầu trong thời gian gần đây bất chấp nỗ lực siết nguồn cung của OPEC+ và xung đột ở Trung Đông.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây cũng đưa ra dự báo tăng trưởng nhu cầu năm 2024 thấp hơn và nhận định thị trường có thể chuyển sang trạng thái dư thừa nguồn cung trong quý đầu của năm tới.
Trước đó, tại cuộc họp chính sách gần nhất vào tháng 6 vừa qua, OPEC+ đã nhất trí kéo dài thỏa thuận cắt giảm nguồn cung đến năm 2024. Bên cạnh đó, Ả Rập Saudi cũng quyết định tự nguyện giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7 và sau đó tiếp tục kéo dài việc hạn chế nguồn cung đến cuối năm nay.
Một số nhà phân tích của Energy Aspect dự đoán Ả Rập Saudi sẽ duy trì mức cắt giảm tự nguyện đến ít nhất là quý I/2024 trong bối cảnh giá dầu đang đối mặt nhiều thách thức.
Trong đánh giá mới nhất về thị trường dầu mỏ, các nhà phân tích của Goldman Sachs cho rằng giá dầu dự kiến sẽ giảm nhẹ trong năm nay mặc dù nhu cầu vượt quá kỳ vọng lạc quan của giới phân tích. “Nguồn cung dầu mỏ từ các nước không thuộc OPEC đã tăng mạnh hơn nhiều so với dự kiến, và phần nào đã bù đắp cho việc cắt giảm sản lượng của OPEC+” – các chuyên gia của Goldman Sachs cho hay.
Theo báo cáo của IEA, sản lượng khai thác dầu của Mỹ - quốc gia chiếm 2/3 mức tăng trưởng của các nước ngoài OPEC+, được dự báo sẽ tăng 1,4 triệu thùng mỗi ngày trong năm nay.