OPEC+ vẫn quyết định tăng “nhỏ giọt” sản lượng bất chấp sức ép từ Mỹ?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - OPEC+ được dự đoán sẽ giữ nguyên kế hoạch tăng nhẹ sản lượng dầu mỏ, bất chấp áp lực từ nhiều phía hồi thúc liên minh này gia tăng nguồn cung nhiều hơn nữa để hạ nhiệt giá “vàng đen”.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu chủ chốt, hay còn gọi là OPEC+, nhiều khả năng sẽ tái khẳng định kế hoạch tăng nhẹ sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày như kế hoạch trong cuộc họp ngày 4/11, bất chấp lời kêu gọi gia tăng nguồn cung nhiều hơn nữa từ Mỹ và các nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới.
 Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng giá dầu và khí đốt tăng kỷ lục gần đây là hệ quả của việc OPEC+ từ chối tăng thêm sản lượng. Ảnh: Getty
Các bộ trưởng năng lượng OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 4/11 để quyết định hạn ngạch sản xuất cho tháng 12. Ngay trước thềm cuộc họp quan trọng này, Ả Rập Saudi - nhà lãnh đạo thực tế của OPEC đã phát tín hiệu rằng họ muốn giữ nguyên tốc độ nới lỏng hiện tại ở mức 400.000 thùng/ngày.
Trong một cuộc phỏng vấn Bloomberg vào tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman cho biết, OPEC+ cần phải thận trọng với cách tiếp cận điều chỉnh sản lượng dầu mỏ bất chấp giá nhiên liệu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm.
Trong bối cảnh giá dầu WTI của Mỹ nhảy vọt lên 85 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2014, và leo dốc hơn 70% từ đầu năm đến nay, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 vừa diễn ra tại Rome (Italia), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi OPEC+ tăng mạnh sản lượng. “Quan điểm rằng Nga, Ả Rập Saudi và nhiều nước sản xuất dầu lớn khác của thế giới không bơm thêm dầu để giảm giá xăng sinh hoạt cho người dân là không đúng đắn”, ông Biden nói hôm 31/10.
Phát biểu với các phóng viên hôm 2/11 khi tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng giá dầu và khí đốt tăng kỷ lục gần đây là hệ quả của việc OPEC+ từ chối tăng thêm sản lượng.
Theo Bloomberg, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và một số nước tiêu thụ dầu lớn khác đang khởi động chiến dịch nhằm gây sức ép để nhóm OPEC+ tăng thêm nguồn cung dầu nhanh hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định OPEC và các nước đồng minh, dẫn đầu là Nga, nhiều khả năng sẽ đối đầu với Mỹ khi mà thêm nhiều thành viên bác bỏ lời kêu gọi của Tổng thống Biden về việc mở rộng quy mô sản xuất dầu nhanh hơn và giúp giảm giá xăng.
“Chúng tôi cho rằng các nước thành viên OPEC+ vẫn ủng hộ việc thắt chặt nguồn cung trên thị trường dầu mỏ toàn cầu và muốn có thêm nguồn tài chính nhờ đà tăng của giá dầu”, ông Edward Bell, giám đốc thị trường của ngân hàng Emirates NBD tại Dubai,  nhận xét hôm 3/11.
Theo Bloomberg, vào ngày thứ Hai, Kuwait nói rằng nhóm này sẽ vẫn duy trì kế hoạch tăng dần sản lượng dầu bởi thị trường dầu hiện đã cân bằng hơn. Trước đó trong nhiều ngày gần đây, đã có nhiều tuyên bố tương tự từ các nước thành viên khác trong đó bao gồm Iraq, Algeria, Angola và Nigeria.
“Chính sách tăng dần sản lượng dầu lên 400.000 thùng/ngày từ tháng 8 là hoàn toàn hợp lý đối với các thành viên OPEC và các đồng minh, bao gồm cả Nga” - Bộ trưởng Dầu mỏ Angola Diamantino Pedro Azevedo khẳng định hôm 2/11.
Trong khi đó, mức tăng sản lượng khai thác dầu của OPEC trong tháng 10 thấp hơn kế hoạch do tình trạng tự nguyện cắt giảm hoặc năng lực có hạn của một số nhà sản xuất nhỏ, theo khảo sát của Reuters.
Năm 2020, nhóm OPEC+ đã cắt giảm 9,7 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 10% và hiện đang duy trì kế hoạch tăng 400.000 thùng/ngày, dù Mỹ và nhiều quốc gia khác kêu gọi nhóm này tăng thêm.
Theo các nhà phân tích, nếu OPEC+ giữ nguyên kế hoạch tăng thêm 400.000 thùng/ngày được nhất trí từ cuộc họp hồi tháng 7, nhiều khả năng giá dầu sẽ tiếp tục leo dốc trong những tháng còn lại của năm nay, thậm chí đà tăng có thể kéo dài sang năm 2022.
Trong một báo cáo vừa công bố, Bank of America dự báo giá dầu có thể tăng sốc lên tới 120 USD/thùng vào cuối tháng 6 năm 2022. Theo lý giải của Bank of America, giá dầu sẽ tiếp tục leo dốc là do cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện tại sẽ khó có thể chấm dứt dẫn đến giá dầu thô, than đá và khí đốt tự nhiên đồng loạt tăng vọt.
Trong phiên giao dịch ngày 3/11, giá dầu thô Brent tăng 28 xu Mỹ, tương đương 0,3%, lên 84,99 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI cộng 19 xu Mỹ, lên 84,24 USD/thùng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần